Báo cáo này chỉ ra các điểm du lịch chính tại khu vực này. Trong đó, làng Cầu Thanh Toàn và làng nghề sông Thu Bồn được xác định là hai điểm chính mới lạ nhằm thu hút du lịch.
Cầu cổ thế kỷ 18
Báo cáo đánh giá làng Thanh Toàn cách TP Huế 8 km, là một trong hai nơi có cây cầu có mái che còn lại ở Việt Nam.
Ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17 m và chiều rộng 4 m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm bảy gian. Cây cầu có mái che rất chân thực, là di sản quốc gia, được xây dựng vào thế kỷ 18 dưới triều vua Lê Hiển Tông. Cây cầu này đã duy trì từ đó và hiện nay còn khá tốt.
Hiện nay, xe đạp là hình thức đi lại phổ biến để tới ngôi làng này. Khách du lịch thưởng thức khung cảnh những cánh đồng quê hấp dẫn (tuyến đường này đi qua các vùng quê đẹp), chợ quê và đền chùa địa phương, đi bộ trên cầu Thanh Toàn, thăm Bảo tàng Nông nghiệp và giao tiếp với người dân địa phương.
Mặc dù số du khách đến tương đối thấp so với tổng lượng khách và tăng trưởng không đáng kể nhưng điểm đến này được đánh giá là “đang lên mạnh mẽ”, hấp dẫn nhất đối với thị trường quốc tế, đặc biệt khách du lịch ba lô và những người yêu văn hóa.
Điều hạn chế là hiện nay cộng đồng địa phương tham gia rất ít vào phục vụ du lịch. “Chỉ một vài gia đình được hưởng lợi từ các chuyến thăm trang trại và cung cấp các bữa ăn trưa cho các nhóm tour”.
Nói trắng ra theo báo cáo này, “chỉ có cái cầu và cái bảo tàng”.
Báo cáo này chỉ ra những điểm có thể thay đổi để thu hút du lịch: Có thể tổ chức đi bộ trong các ruộng lúa, tour tham quan làng, đường đi bộ đến đình làng, đi canô trên sông; làm đường và tổ chức tuyến đi bộ hoặc đạp xe chạy xung quanh làng để mở rộng trải nghiệm của khách; gặp gỡ nông dân địa phương, xem và trải nghiệm cách làm trang trại sử dụng các công cụ hiện nay và truyền thống...
Những cách “kiếm tiền” cũng được đặt ra rất cụ thể: Thu phí vào làng hay đi bộ trên cầu để tăng doanh thu; liên kết Bảo tàng Nông nghiệp với việc bán các thực phẩm sản xuất tại địa phương và có khả năng bán thông qua các quán cà phê...
Sợ hiện đại
Các làng nghề bên sông Thu Bồn được các tỉnh và doanh nghiệp du lịch xác định là điểm đến chính về thiên nhiên, cộng đồng. Đáng chú ý nhất là làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế và làng sinh thái Triêm Tây. Tất cả năm làng đều nằm trong bán kính 4 km từ phố cổ Hội An, khả năng tiếp cận cao. Khách du lịch có thể dễ dàng bắt taxi hoặc tham gia tour xe buýt đến đây.
Báo cáo đánh giá “Sức thu hút lớn nhất đối với du khách là xem sản xuất các sản phẩm truyền thống một cách điêu luyện (đồ gốm, đồ mộc) và có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nông nghiệp (cây dừa, các loại rau) và giao tiếp với người dân nông thôn Việt Nam”.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn cho phát triển du lịch là “các ngôi làng này cũng không độc đáo lắm, hầu hết bị bán đô thị hóa và các ngành nghề địa phương đã trở nên đa dạng hóa (không làm chuyên một nghề nữa). “Ở Kim Bồng thì chỉ còn một vài gia đình tiếp tục nghề khắc gỗ, vì thế không còn là “làng nghề” đặc trưng”, còn quanh làng rau Trà Quế thì đã bị đô thị hóa làm giảm sức hấp dẫn của một “làng truyền thống”.
Các sản phẩm du lịch chính: Bãi biển Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng, Cù lao Chàm, quần thể di sản Huế (bao gồm nhạc cung đình), phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, các làng nghề sông Thu Bồn, làng Thanh Toàn... Các sản phẩm phụ trợ gồm: Bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), nhà vườn cổ Huế, làng văn hóa Phước Tích (Thừa Thiên-Huế), di tích chiến tranh Chu Lai (Quảng Nam), làng văn hóa Bhờ Hôồng (Quảng Nam), hồ Phú Ninh (Quảng Nam), vườn quốc gia Bạch Mã và làng văn hóa Nam Đông... |