“Việt Nam quá giàu tiềm năng, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng nhưng quả thực việc thu hút khách còn hạn chế…”. Ông bộ trưởng còn nói thêm: “Tôi nhớ tại kỳ họp trước, chủ tịch Quốc hội có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Singapore, Malaysia. Tôi bỏ ngỏ. Tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này. Tôi không dám trả lời”.
Thật đáng buồn. Chỉ sau hai kỳ họp Quốc hội mà du lịch Việt Nam đã đi thụt lùi từ chạy theo Thái Lan, Singapore thì nay chạy theo Lào, Campuchia! Bởi hai nước láng giềng của Việt Nam tuy nghèo tài nguyên nhưng du lịch họ phát triển nhanh vượt bậc. Năm 2000 du lịch Lào chỉ có 700.000 khách quốc tế, nay tăng lên hơn bốn triệu. Campuchia từ hơn 400.000 khách năm 2000, sau 14 năm đã tăng gấp 10 lần.
Trong khi Việt Nam với biết bao danh thắng như Hạ Long lừng lẫy thế giới, nay còn thêm Sơn Đoòng…, thế nhưng đến nay mỗi năm chỉ thu hút được tám triệu lượt khách quốc tế. So với tỉ lệ khách quốc tế trên dân số ở khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Myanmar và Indonesia.
Nhiều đại biểu tỏ ra thông cảm với câu trả lời thật thà của ông bộ trưởng, rằng du lịch Việt Nam còn hạn chế do còn liên quan tới giao thông, an ninh… Nhưng nên nhớ rằng ông Hoàng Tuấn Anh trước khi làm bộ trưởng VH-TT&DL đã từng là tổng cục phó, rồi tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Rồi hai nhiệm kỳ qua ông nắm cả ngành văn hóa-thể thao, càng có điều kiện hỗ trợ cho du lịch. Thế nhưng, ngành du lịch Việt Nam sau mười mấy năm - cả thời ông làm tổng cục trưởng đến khi làm bộ trưởng vẫn còn dạng tiềm năng, như chính lời ông nói.
Và tại sao đến nay “việc thu hút khách còn hạn chế”? Hỏi tức là trả lời: Do thiếu chiến lược phát triển lâu dài mà có tư tưởng ăn xổi ở thì, ỷ lại vào tài nguyên. Do quảng bá du lịch kém. Tại nhiều hội chợ du lịch quốc tế, nơi quảng bá tốt nhất thì du lịch Việt lộ rõ tư duy chắp vá. Gần nhất là hội chợ du lịch tại Ý, gian hàng Việt Nam mặc dù đầu tư hơn 3 triệu đôla nhưng sản phẩm du lịch quảng bá rất nghèo nàn, có báo đánh giá như một gian hàng hội chợ cấp tỉnh. Các đơn vị làm du lịch Việt cạnh tranh thiếu lành mạnh, vơ vào, chụp giật. Cộng với nạn chèo kéo, nạn cướp giật trên đường, nạn trấn lột của các quán ăn, taxi, xích lô… đã làm nản lòng du khách và là nguyên nhân khiến họ “một đi không trở lại”.
Điều đáng ngạc nhiên là gần đây Tổng cục Du lịch đưa ra một bảng kết quả thăm dò sự hài lòng của 14.000 khách quốc tế như sau: Khách đánh giá rất tốt và tốt: 94,05 %; trung bình: 5,73 %; kém và rất kém chỉ có 0,22 %”. Thế thì du lịch Việt Nam xếp hạng đầu thế giới rồi. Vậy mà sáu tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 11,3 % so với cùng kỳ? Đúng là “những con số ảo tự sướng”.