Người chuyển đổi giới tính đang gặp khó về nhân thân và tài sản

(PLO)- Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, cần làm rõ điều kiện để cá nhân được chuyển đổi giới tính hoặc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính”, ngày 20-9, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Khóa XV cho biết, có khoảng 0,3-0,5% dân số thế giới là người chuyển giới. Hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Ireland tổ chức.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, ở Việt Nam, tính đến ngày 25-11-2011, nếu lấy con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam có khoảng 500.000 người chuyển giới.

c3d9904c0beddeb387fc.jpg
Toàn cảnh Hội nghị ngày 20-9. Ảnh: Minh Trúc

Thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” (CĐGT) lần đầu tiên xuất hiện trong Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Điều 37). Trong đó quy định việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật.

Cá nhân đã CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Trí, do chưa có văn bản quy định cụ thể về việc CĐGT nên cơ quan, tổ chức có liên quan và cá nhân có nhu cầu CĐGT, nhu cầu công nhận việc CĐGT còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện, tại Việt Nam, chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến khó khăn khi thu thập số liệu về người chuyển giới, người đã can thiệp y học để CĐGT.

Về phía những người đã can thiệp y học để CĐGT, theo ông Trí, họ gặp khó khăn do không trùng khớp giữa các giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có.

đb Nguyễn Anh Trí.jpeg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị xây dựng Luật Bản dạng giới. Ảnh: Quochoi.vn

Cơ quan quản lí Nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc thay đổi các giấy tờ hộ tịch, căn cước công dân cho người đã CĐGT.

Bên cạnh đó, hiện không có quy định pháp lí về cơ sở y tế được phép can thiệp để CĐGT, quy trình can thiệp y học, phác đồ điều trị, thuốc… để thực hiện thay đổi cơ thể theo bản dạng giới của công dân.

Điều này dẫn tới hệ quả họ phải sử dụng các cơ sở y tế bất hợp pháp hoặc thực hiện ở nước ngoài hoặc sử dụng các loại thuốc/hoóc-môn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá cả và chất lượng không thể kiểm chứng để thực hiện nhu cầu CĐGT.

Nhìn chung, người có nhu cầu CĐGT, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người CĐGT cũng gặp khó.

"Có khoảng nửa triệu người chuyển đổi giới tính còn gặp những khó khăn về khía cạnh nhân thân, tài sản". GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, thực tế nói trên đặt ra yêu cầu cần làm rõ điều kiện để cá nhân được CĐGT hoặc thực hiện can thiệp y học để CĐGT.

Đồng thời, cũng cần làm rõ việc xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để CĐGT trước đây. Và thẩm quyền cũng như thủ tục công nhận giới tính của người CĐGT.

Đề xuất ý kiến, TS. Luật sư Trương Hồng Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng, để làm rõ quyền, nghĩa vụ của người CĐGT sau khi được công nhận giới tính mới, các cơ quan soạn thảo văn bản cần rà soát tổng thể các văn bản có liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

Trường hợp số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung quá nhiều, luật sư Quang kiến nghị nên ban hành văn bản riêng quy định về CĐGT, sau đó các văn bản có liên quan sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung theo.

Ưu điểm của phương án này là có thể bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian để người CĐGT được thụ hưởng, thực hiện các quyền, nghĩa vụ có liên quan sẽ bị kéo dài.

Luật sư Quang cũng lưu ý, các văn bản cần quy định rõ về mức độ can thiệp y học để được công nhận giới tính mới. Bởi vì, theo ông Quang, mức độ can thiệp một phần sẽ đặt ra nhiều vấn đề pháp lý, xã hội… cần giải quyết nhiều hơn so với mức độ can thiệp 100%.

Trong khi đó, mức độ can thiệp 100% hoặc ít nhất là can thiệp phẫu thuật cơ quan sinh dục (gồm cả cơ quan sinh sản bên trong của người chuyển giới nam) là phù hợp với bản chất của hoạt động CĐGT hơn cả.

Theo ông Quang, điều này không chỉ giảm thiểu các vấn đề pháp lý phát sinh mà cũng góp phần bảo đảm sức khỏe của người CĐGT về lâu dài.

Hơn nữa, nếu người chuyển giới nữ khi phẫu thuật cơ quan sinh dục đương nhiên phải phẫu thuật cả cơ quan sinh sản bên ngoài (tinh hoàn, ống dẫn tinh...) nhưng nếu người chuyển giới nam được giữ lại cơ quan sinh sản bên trong (buồng trứng, tử cung) thì sẽ không công bằng ngay trong chính biện pháp can thiệp y học.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho hay, việc giải quyết các vấn đề về nhân thân, tài sản của người CĐGT như: thay đổi thông tin hộ tịch, thông tin trên giấy tờ tùy thân, quan hệ hôn nhân gia đình... là một việc cần thiết.

“Để giải quyết các vấn đề nêu trên, việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế là hết sức cần thiết", bà Thanh nói.

Tuy nhiên, theo bà Thanh, việc này cần kết hợp với việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và nghiên cứu đặc thù văn hóa, xã hội cùng với điều kiện kinh tế của Việt Nam mới có thể lựa chọn cách thức tiếp cận phù hợp.

Từ đó, đưa ra giải pháp tối ưu để xây dựng quy định đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người CĐGT và cũng bảo đảm hài hòa với bối cảnh chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm