Vụ việc tài xế điều khiển xe biển xanh 80B-3589 của Ban Kinh tế Trung ương gây tai nạn rồi bỏ chạy tại Hà Nội mấy ngày qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban Kinh tế Trung ương đã có chỉ đạo phối hợp cùng cơ quan công an xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc. Thông tin từ công an quận Thanh Xuân, ngoài việc bồi thường cho người bị tông trúng, đơn vị này đã lập biên bản về hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và gây tai nạn rồi bỏ chạy với tốc độ cao của tài xế ô tô. Hiện đơn vị đang tiếp tục củng cố hồ sơ vụ việc.
Hành vi của tài xế ô tô đã gây phản ứng từ phía bạn đọc. Đa số các ý kiến đều lên án gay gắt hành động coi thường pháp luật cũng như coi thường tính mạng người khác của tài xế ô tô. Bên cạnh đó, một số người cũng đặt câu hỏi rằng trong những trường hợp như trên, người dân có được quyền truy đuổi xe gây tai nạn hay không.
“Thấy mọi người đuổi theo quyết liệt quá. Gần đây cũng có nhiều vụ ô tô gây tai nạn rồi bỏ chạy, sau đó có rất nhiều người đuổi theo. Liệu việc truy đuổi này có đúng hay không, vì nó cũng rất nguy hiểm?” - một tài khoản Facebook đặt câu hỏi.
Chiếc xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy ngày 10-12 vừa qua
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư (LS) Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng việc truy đuổi của những người tham gia giao thông đối với chiếc xe ô tô là hoàn toàn đúng pháp luật.
Theo LS Thơm, tài xế ô tô biển xanh đã gây tai nạn nhưng lại không cứu giúp người bị nạn mà bỏ chạy là đã vi phạm pháp luật. Hành vi này ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông. Việc bỏ chạy là nhằm trốn tránh nhiệm, xóa dấu vết vi phạm, tức là thuộc trường hợp phạm tội quả tang. Điều đó đồng nghĩa với việc bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt giữ.
“Việc truy đuổi phải bảo đảm an toàn cho mình và cho những người tham gia giao thông xung quanh. Nếu cảm thấy không đủ điều kiện thì không nên truy đuổi” - LS Thơm chia sẻ.
Cũng theo vị LS này, trong trường hợp tài xế gây tai nạn cố tình bỏ chạy, có hành vi gây nguy hiểm trực tiếp đến người khác hoặc cố thủ trong xe. Ngoài việc truy đuổi, người dân có thể phá cửa, khống chế đối tượng.
Trả lời câu hỏi nếu quá trình truy đuổi mà gây tai nạn, đánh đập tài xế gây thương tích hoặc đập phá ô tô thì xử lý ra sao. LS Thơm cho rằng nếu gây tai nạn, người truy đuổi sẽ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật như bình thường, lý do xuất phát từ việc truy đuổi có thể được coi là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ.
Nếu tài xế không chống đối mà cố tình đánh đập hoặc đập phá xe, người truy đuổi có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích, giết người (tùy theo hậu quả gây ra) hoặc hủy hoại tài sản.
Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã 1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. 2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 |