Người khuyết tật qua đào tạo có thể kiếm được việc làm, lương tháng 3-10 triệu đồng

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính chọn Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội làm điểm đến trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động Vì Trẻ em 2024. Đây là nơi mà sau đào tạo, người khuyết tật có thể tìm được việc làm, tự nuôi sống bản thân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay, 31-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chia sẻ đầy cảm hứng với các em là trẻ khuyết tật. Ông khẳng định rằng trẻ em khuyết tật có quyền và hoàn toàn có khả năng học văn hóa, học nghề. Lớn lên, đến tuổi lao động, các em cũng như những người khuyết tật khác hoàn toàn có thể kiếm được việc làm, với thu nhập đủ trang trải cho chính cuộc sống mình.

Trẻ khuyết tật được học hành là có thể tự lập

Báo cáo với Thủ tướng, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội cho biết đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề cho 130 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, gồm 62 cháu câm điếc, 44 cháu bị khuyết tật trí tuệ, 7 cháu khuyết tật vận động, 17 cháu tự kỷ, tăng động.

Với "đầu vào" như vậy, Trung tâm đang tổ chức 11 lớp học văn hóa, trong đó có 8 lớp học văn hóa dành cho trẻ khiếm thính, 3 lớp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Các cháu được thành phố hỗ trợ nuôi dưỡng mỗi tháng với mức 1,76 triệu đồng và 350 ngàn đồng chi phí khác.

trẻ khuyết tật.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các học sinh tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: Nhật Bắc

Sau khi được chăm sóc tại đây, có những cháu được gia đình cho đi học tiếp cấp THCS. Nhiều cháu được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận dạy nghề và tạo việc làm với mức thu nhập từ 3-10 triệu đồng/tháng.

Trung tâm cho biết phần lớn các cháu bị câm điếc sau đào tạo đều có khả năng hòa nhập cộng đồng và tự lập được cuộc sống. Với số trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, không thể tái hòa nhập cộng đồng, khi quá tuổi học, Sở LĐ-TB&XH sẽ chuyển đơn vị khác để nuôi dưỡng suốt đời.

Qua báo cáo của Trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhưng các thầy cô giáo và học sinh đã rất nỗ lực, cố gắng để dạy tốt và học tốt.

“Sau 46 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã trở thành ngôi nhà chung của các cháu, trở thành mái ấm của trí thức và tình yêu thương. Đây cũng chính là nơi tiếp sức, truyền lửa, giúp các cháu trẻ khuyết tật không ngừng nỗ lực, bằng ý chí và nghị lực đã vượt qua nghịch cảnh để học tập tốt, rèn luyện tốt, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng” - Thủ tướng nói.

trẻ khuyết tật 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cơ sở vật chất của trung tâm. Ảnh: Nhật Bắc

Không hi sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, cho sự phát triển nhanh, bền vững, lâu dài, hiệu quả cao. Trong đó cần đặc biệt quan tâm một cách “thực tâm, thực lòng, thực chất” trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em khuyết tật.

"Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế" - Thủ tướng nói.

Trong chủ trương, chính sách chung về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm trẻ khuyết tật, với mong muốn các cháu được chăm sóc, giáo dục, có cơ hội vượt qua nghịch cảnh, phát huy tốt nhất khả năng của mình.

Tinh thần chung là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không hi sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

trẻ khuyết tật 0.jpg
Thủ tướng nói: "Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước". Ảnh: Nhật Bắc

Chia sẻ với các cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội và các em học sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian tới, Nhà nước tiếp tục tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề như tình trạng thiếu cơ sở giáo dục; thừa, thiếu giáo viên cục bộ; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em; tình trạng sách giáo khoa còn những bất cập; trường tạm, điểm trường còn xa.

Cùng với đó, cần giải quyết những vấn đề về bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học; những hiểm họa, như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực, tai nạn thương tích…

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm