Người kinh doanh phập phồng lo lãi suất tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trong thời gian gần đây đã có một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động (tiền gửi tiết kiệm) 0,2%-1,1%/năm so với trước đó. Hiện đã có ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức 7,6%/năm.

Lãi suất tiết kiệm nơi tăng, nơi đứng im

Ngân hàng SCB đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng tại ngân hàng này đang ở mức 4%/năm, sáu tháng ở mức 5,9%/năm và từ một năm cho đến ba năm cùng có mức lãi suất là 7%/năm.

Đáng chú ý, với những khách hàng có số tiền gửi tiết kiệm từ 500 tỉ đồng trở lên và chọn kỳ hạn gửi hơn một năm thì sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 7,6%/năm. Đây có thể là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.

Tương tự, VPBank tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng thêm 0,3%, lên mức 4,8%/năm. Riêng kỳ hạn một năm tăng tới 0,8%, lên mức 5,6%/năm. Riêng với khách hàng gửi từ 50 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn một năm sẽ được hưởng lãi suất lên tới 6,4%/năm, tương đương tăng tới 1,1%/năm so với biểu lãi suất công bố trước đó.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác như MSB, ACB, Techcombank, MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhưng mức tăng thấp hơn và chỉ ở một vài kỳ hạn. Trong khi đó bộ ba ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV và VietinBank lại chưa tăng lãi suất huy động. Ví dụ, Vietcombank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất từ 3%/năm đến 5,5%/năm đối với phân khúc khách hàng cá nhân.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp (DN) thuộc Ngân hàng Bản Việt, nhận định: Lạm phát tăng có thể dẫn đến lãi suất huy động nhích lên, qua đó lãi suất cho vay khó có thể đứng yên. Tuy nhiên, nếu lãi suất cho vay có tăng thì cũng không nhiều. Bên cạnh đó, tùy chính sách hỗ trợ của mỗi ngân hàng mà mức điều chỉnh lãi suất huy động cũng như cho vay trong từng thời điểm khác nhau.

“Như ở Ngân hàng Bản Việt, chúng tôi hiện vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay và dành 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các DN lần đầu có hợp đồng tín dụng tại ngân hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ các khách hàng cũ nhưng gặp khó khăn do COVID-19” - ông Nhân nói.

Nhu cầu vay vốn của các nhà sản xuất, kinh doanh bắt đầu ấm dần hơn sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh. Ảnh: TL

Nhu cầu vay vốn tăng cao

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết những năm trước tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm trên địa bàn TP thường chỉ đạt chưa tới 1%. Thế nhưng tính đến hết tháng 2-2022 vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt tới 2,65%. Đây là con số tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng bốn năm qua.

Đáng chú ý là tín dụng tăng cao nhưng vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hiện chiếm tỉ trọng khoảng 67%-70%. Những số liệu này cho thấy nhu cầu vay vốn của các nhà sản xuất, kinh doanh bắt đầu ấm dần hơn sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh.

Lo khó trụ nổi nếu lãi suất cho vay tăng

Các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo trong thời gian tới áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã và đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế.

Áp lực này sẽ khiến một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm. Do đó, lãi suất cho vay dự báo sẽ duy trì ở mức cao tương đối chứ khó có thể giảm.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP.HCM thừa nhận một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng đến lãi suất huy động và cho vay là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để các ngân hàng không cạnh tranh nhau về giá vốn như từng xảy ra vào những năm trước.

Mặt khác, trong trường hợp lạm phát năm nay vẫn duy trì dưới 4% thì dự báo đến hết quý II-2022, khả năng lãi suất cho vay trong ngắn hạn sẽ tăng thêm khoảng 0,5%/năm. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn so với dự báo thì lãi suất cho vay ngắn hạn có thể tiếp tục tăng thêm 0,5% vào cuối năm và lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ tăng thêm khoảng 1,5% nữa.

Trước xu hướng tăng lãi suất, các nhà sản xuất, kinh doanh phập phồng lo lắng vì khi lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí vốn tăng theo. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, nói rằng hiện nay nhu cầu vay vốn của các DN đã bắt đầu ấm dần hơn sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh. Tuy vậy, đa số các nhà sản xuất, kinh doanh đều vay vốn từ ngân hàng. Vậy nên khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng khó có thể đứng im. Hiện tại đã có một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm so với mức lãi suất năm ngoái.

Trong điều kiện kinh tế bình thường, mức tăng lãi suất như vậy không đáng lo ngại nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất, kinh doanh. Bởi gần đây giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển, xăng dầu… tăng mạnh. Ví dụ, giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều đã tăng 30%-50% so với năm ngoái.

“Với một loạt khó khăn như vậy, các DN đang rất cần sự chung tay hỗ trợ từ phía ngân hàng để gồng mình vượt khó. Nếu lãi suất cho vay tăng nữa thì khó khăn sẽ chồng lên khó khăn và có lẽ nhiều công ty khó mà trụ nổi” - ông Quốc Anh nói.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay

Đại diện NHNN mới đây khẳng định phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Liên quan vấn đề nới lỏng điều kiện cho vay, NHNN khẳng định mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện cho vay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm