Ngày 7-2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu năm, nhằm mở ra cơ hội tìm việc làm cho người lao động cũng như giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn lực để phát triển sản xuất.
Muốn công việc gần nhà
Có mặt từ sáng sớm tại trung tâm, anh Nguyễn Khánh, 24 tuổi, quê Nghệ An đã nhanh chóng đăng ký tìm việc làm và được nhân viên hướng dẫn vào phòng tuyển dụng của Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp đặt Viễn Thông. Tại đây, anh Khánh đã trải qua vòng phỏng vấn của nhân viên tuyển dụng, tuy nhiên giữa anh và công ty không đạt được thỏa thuận: “Thời gian làm việc và một số chế độ chưa phù hợp nên hai bên chưa tìm được điểm chung…” - anh Khánh nói.
Anh Khánh cũng cho biết đây là phiên giao dịch thất bại thứ hai đối với anh: "Tôi chỉ muốn công việc nhẹ nhàng, thu nhập đủ... Tôi cũng không thích công việc quá áp lực, nên mặc dù nhiều doanh nghiệp hôm nay tuyển dụng nhưng chắc tôi phải chờ đợt tuyển dụng sau xem có việc nào đúng với tiêu chí của mình không…” - anh Khánh chia sẻ.
Người lao động trải qua phiên phỏng vấn để thỏa thuận công việc. Ảnh: VIẾT LONG
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng, ngụ Hà Đông (Hà Nội), cho biết là sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải vừa ra trường và muốn tìm công việc thủ kho. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn vào phòng phỏng vấn của Công viên Hồ Tây (Hà Nội) với mức lương 4 triệu đồng/tháng thì anh Hoàng không đưa ra thỏa thuận. Anh Hoàng cho biết nguyên nhân anh không thỏa thuận là do Công viên Hồ Tây hơi xa nhà. Trong khi anh muốn kiếm công việc gần nhà, lương cao hơn mức công ty đưa ra.
Theo ông Phạm Văn Tuấn, nhân viên tuyển dụng Công viên Hồ Tây, hiện đơn vị ông đang cần tuyển trên 100 nhân viên, gồm nhân viên cứu hộ, y tế, kinh doanh du lịch… với những yêu cầu không mấy khắt khe và mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số lượng lao động đạt được thỏa thuận chưa cao. Nguyên nhân, do yêu cầu của người lao động cao, tâm lý chưa hết Tết…
Sinh viên thích làm việc nhà nước
Cũng trong phiên giao dịch, nhiều sinh viên cho biết có nguyện vọng muốn tìm một công việc trong khu vực Nhà nước, tuy nhiên các phiên giao dịch chưa có các doanh nghiệp Nhà nước tham gia tuyển dụng.
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết theo Tổ chức lao động quốc tế, 2/3 sinh viên ra thích làm việc ở khu vực nhà nước vì có sự ổn định, nên nguyện vọng của sinh viên là chính đáng. Tuy nhiên, khu vực nhà nước ít có hoạt động tuyển dụng. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa… nên cơ hội có việc làm khu vực Nhà nước rất hẹp.
Nhiều sinh viên mong muốn được các doanh nghiệp Nhà nước tuyển dụng. Ảnh: VIẾT LONG
"Tôi cũng khuyên người lao động hiện nay các doanh nghiệp tư nhân có tính năng động, đòi hỏi lao động phải có trình độ và cập nhật bám sát hơn với sự phát triển của kinh tế xã hội. Vì mỗi một giờ, một phút tình hình hoạt động giao dịch về kinh tế và thị trường có những thay đổi, nên cần có những suy nghĩ nó rộng hơn, như thế cơ hội việc làm cho người lao động sẽ cao hơn…” - ông khẳng định.
Năm 2017 nhu cầu tuyển lao động cao Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, khẳng định dù kinh tế trong và ngoài nước còn gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, nhu cầu về việc làm hiện nay chắc chắn tăng cao hơn năm 2016. Trong đó, các ngành như viễn thông, nhà hàng - khách sạn, thương mại - dịch vụ… dự kiến có nhu cầu lớn. |