Đủ mọi lý do khiến người mẹ làm vậy. Tôi cho rằng chủ yếu chị này muốn nhanh, có thể vì bé đã trễ học, đường đông… Có thể thời gian chiếc xe án ngữ giữa đường chỉ khoảng 3 phút nên chị ỷ y không gây thiệt hại lớn, chấp nhận “liều” để đạt mục đích. Nhưng hậu quả hẳn giờ chị đã thấy rồi, hình ảnh bị đưa lên nhiều trang mạng, gạch đá gánh về xây nhà chắc cũng đủ.
Nơi tấc đất tấc vàng, nhiều trường học không có khuôn viên dừng đỗ xe, gửi xe cho phụ huynh cũng là một bất cập. Tôi biết là khó nhưng khó không phải là lý do để hành xử tùy tiện. Thiên hạ chê trách không quan trọng bằng việc người lớn có thể vô tình trở thành gương xấu cho trẻ từ sự dễ dãi trong hành động của mình.
Chẳng hạn, làm sao nói bọn trẻ ít xem iPad thôi khi bố mẹ cứ cắm mặt vào điện thoại, làm sao dạy trẻ không nói xấu người khác nếu người lớn làm chuyện đó thường xuyên, làm sao dạy trẻ tôn trọng nguyên tắc hành xử, lưu thông sao cho chính mình an toàn khi cha mẹ thản nhiên leo qua dải phân cách để nhanh hơn vài phút? Sẽ thế nào nếu khi có dịp, trẻ tự đi một mình và cũng qua đường theo cách y như vậy?
Sự dễ dãi, tùy tiện của người lớn trước mặt trẻ không chỉ là việc dừng, đỗ xe tùy tiện mà còn là chở trẻ con nhưng đánh võng, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chẳng thèm đội nón bảo hiểm cho cả mình lẫn con, là chen lấn, xô đẩy, giành lấy phần lợi cho mình, tranh nhau từng nửa vòng bánh xe và còn cả căn bệnh trầm kha không thuốc chữa: Xả rác.
Người lớn cứ rao giảng khi sai con phải nhận lỗi nhưng chính người lớn đã có được sự dũng cảm, thẳng thắn đó chưa? Hay khi vi phạm bị góp ý, xử phạt thì luôn luôn phản ứng lại, viện dẫn đủ lý do để biện hộ cho việc đã làm? Không nhìn nhận cái sai thì đâu có sửa và cứ thế người ta vẫn buông mình theo những việc dễ làm, tiện, nhanh dù ẩu một chút, sai nguyên tắc một chút cũng được và bọn trẻ thì học theo một cách vô thức.
Trừ những trường hợp cá biệt, trẻ con đều là bản sao của những gương mặt thân cận chúng nhất. Với trẻ, hành động của người lớn là bài học hiệu quả nhất, lưu ý người lớn trước tiên là cha mẹ. Cho con đi học trường tốt chưa đủ đâu, tôi nghĩ tập cho con các kỹ năng mềm và ý thức - cái nền tảng nhất cũng tối quan trọng.
Tính cách mà đại đa số người Việt đang thiếu là tính nghiêm túc, sự chỉn chu từ chuyện nhỏ đến việc lớn. Thời buổi hội nhập rồi, ngay bây giờ đã có thể thấy khuyết điểm đó ảnh hưởng thế nào đến khả năng cạnh tranh của mỗi người trong cuộc sống, cơ hội học tập, việc làm, thậm chí tìm người yêu... Đã nhận ra rồi thì nên tự sửa sai và tránh “nêu gương” cho bọn trẻ mới đúng. Trong quá trình dạy dỗ con trẻ, người lớn cũng tự hoàn thiện mình đấy, nếu chúng ta đủ nghiêm túc để nhìn nhận và thực hiện.