Cuộc chạy đua đẩy lùi sự lây lan của dịch COVID-19 ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng khi người Mỹ lo ngại về số tiền mà mình phải chi trả cho việc xét nghiệm, Washington Post đưa tin.
Mỹ hiện đã mở rộng việc xét nghiệm COVID-19. Các quan chức y tế cho biết để hạn chế sự lây lan của virus trong cộng đồng việc quan trọng là xét nghiệm đúng đối tượng nghi nhiễm và cách ly họ. Vậy nên, các quan chức y tế liên bang đã ban đầu cho phép nhiều phòng thí nghiệm tham gia vào việc rà soát người nhiễm bệnh.
Một bộ xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm y tế Harborview ở Seattle, bang Washington (Mỹ) Ảnh: AP
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại những người mắc các bệnh tương tự cúm, hoặc những người nghi nhiễm sẽ ngại đi xét nghiệm bởi họ không có bảo hiểm y tế, hoặc phải trả chi phí xét nghiệm quá nhiều.
Bảo hiểm vẫn chưa thanh toán cho xét nghiệm COVID-19 đại trà
Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại chính phủ vẫn chưa thông báo người dân nước này cần xét nghiệm ở đâu và các hãng bảo hiểm y tế công và tư nhận đều vẫn chưa thông báo rằng người có bảo hiểm sẽ được chi trả ở mức nào. Một số bước xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đề xuất được cho không phù hợp để bảo hiểm thanh toán.
"Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ và hợp đồng bảo hiểm y tế của nhiều người lao động không phù hợp để đối phó với một dịch bệnh lây lan nhanh như thế này" - GS Sabrina Corlette tại Trung tâm Cải cách Bảo hiểm Y tế của ĐH Georgetown nhận định.
Tính đến nay, các quỹ liên bang chỉ chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19 nếu các dịch vụ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm y tế công liên bang, tiểu bang hoặc địa phương. Nhưng chính sách này không áp dụng với xét nghiệm ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu hoặc thương mại.
Trong cả hai trường hợp, chính phủ Mỹ không trả các chi phí như khám bệnh hay cấp cứu dù gần 50% trong tổng số 160 triệu người dân Mỹ mua gói bảo hiểm với mức khấu trừ cao.
"Khấu trừ là thứ buộc người dân phải suy đi nghĩ lại về quyết định có đi khám khi bị bệnh hay không. Và một khi dịch bệnh bùng phát, việc người bệnh phải suy đi nghĩ lại về việc đi khám là điều cực kỳ nguy hiểm" - chuyên gia chính sách y tế Larry Levitt thuộc tổ chức Kaiser Family Foundation, một tổ chức chuyên nghiên cứu về sức khỏe, cho biết.
Người Mỹ ồ ạt tới các siêu thị mua khẩu trang, đồ dùng vệ sinh, thực phẩm... để tích trữ nhằm đối phó với nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AP
Hiện các chương trình bảo hiểm sức khỏe Mỹ đã ban hành hướng dẫn có tên "Giữ cho người Mỹ an toàn trước COVID-19". Cụ thể, trong hướng dẫn đề nghị các công ty bảo hiểm theo dõi cẩn thận hệ thống và làm việc với CDC để có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, điều này không thể thúc giục các công ty bảo hiểm chịu chi trả toàn bộ cho các xét nghiệm, thăm khám các bệnh đường hô hấp.
Ông Thomas Inglesby - Giám đốc Trung tâm An ninh y tế thuộc Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg, cho biết hiện các nước phương Tây với hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân vẫn chưa công khai cụ thể phương án tổ chức xét nghiệm những người nghi nhiễm. Và theo ông, ở những nước mà chi phí xét nghiệm quá lớn như Mỹ, việc xác định người nhiễm bệnh là một thách thức lớn".
Quan chức CDC cũng kêu gọi người dân tích trữ thuốc men nếu bị cách ly. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm Mỹ hiếm khi cho phép khách hàng mua thêm thuốc trừ khi sắp hết.
Một viện dưỡng lão ở TP Kirkland, quận King, bang Washington bị điều tra sau khi xác nhận có 6/11 số ca tử vong vì COVID-19. Ảnh: AFP
CDC cũng đề nghị người có các triệu chứng bệnh hô hấp ở nhà, nhưng dường như không có người nào chịu nghỉ làm bởi họ sẽ không được trả lương.
GS Corlette thuộc ĐH Georgetown cho biết gần 1/3 người lao động Mỹ không được trả lương nếu nghỉ bệnh. Do đó, những người có triệu chứng cúm sẽ không dám đi khám vì sợ phải nghỉ và mất nguồn thu nhập.
"Những mối lo ngại đó khiến họ mất ngủ" - bà Corlette băn khoăn.
Vậy nên các chuyên gia lo ngại thực tế này sẽ khiến dịch COVID-19 có thể lây lan nhanh hơn. Trước mắt theo ông Inglesby, chính phủ liên bang phải xóa bỏ các mối lo ngại về tài chính của người dân Mỹ để xét nghiệm phải là một ưu tiên hàng đầu của họ.
Phải tạm ứng 5.000 USD để được xét nghiệm COVID-19
Những ngày qua, dư luận Mỹ nhiều lần xôn xao với các trường hợp người đi xét nghiệm COVID-19 phải trả phí quá cao, đặc biệt một trường hợp được chia sẻ nhiều trên Twitter.
Anh Osmel Martinez Azcue - một kỹ sư 29 tuổi ở thành phố Miami (bang Florida) từng đến Trung Quốc vì công việc rồi trở về Mỹ, sau đó sang Ý. Khi đang trên đường về Mỹ ngày 27-1, anh bắt đầu bị sốt ở sân bay Lisbon (Bồ Đào Nha). Về tới nhà, anh gọi điện cho một trung tâm y tế khẩn cấp và được thông báo chỉ hai bệnh viện trong TP có thể thực hiện xét nghiệm.
Anh Azcue tới bệnh viện công Jackson Memorial và ngay lập tức bị đưa vào phòng cách ly. Sau đó, một bác sĩ yêu cầu anh chụp CT. Nhưng vấn đề là anh phải trả trước tới 5.000 USD. Vì vậy anh yêu cầu bác sĩ trước tiên cho anh kiểm tra cúm thông thường và nếu đó chỉ là cúm thường thì hãy cho anh về nhà.
Chưa đầy hai giờ sau, anh Azcue được chẩn đoán bị cúm thường và được kê đơn thuốc Tamiflu.
Tuy nhiên, đến ngày 14-2, anh Azcue bàng hoàng khi công ty Bảo hiểm Quốc gia (NGI) gửi hóa đơn hơn 3.270 USD tới nhà anh. Phía bảo hiểm nói anh phải trả số tiền này trừ khi chứng minh được rằng anh không có tiền sử bệnh cúm.
Ông Scott Becker - Tổng Giám đốc Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y tế công nói ông rất quan ngại về hệ thống y tế Mỹ. Vài ngày trước, ông đưa vợ tới một trung tâm y tế ở bang Maryland để khám bệnh và nơi đây đông nghẹt người.
"Tôi nghĩ sao mà lại đông thế này. Vợ tôi phải chờ tới hơn 90 phút để được khám bệnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu dịch COVID-19 bùng phát tại đây? Chắc chắn các trung tâm y tế sẽ quá tải nghiêm trọng" - ông Becker lo lắng.