Người mẹ quét đường, cô bé phụ mẹ hốt rác trông thật đáng yêu, ai xem cũng xúc động.
Mới đầu năm mà vừa qua Sài Gòn gặp ông Tư Cây, thấy cái mặt ông nhăn nhó như “khỉ năm Bính Thân”.
Văn hóa lùn
Ông Tư Cây trước là công nhân Công ty Cây xanh, bị té gãy xương khi trèo cây cắt cành, phải hưu non. Ông thứ tư, tên Cây có lẽ do ông làm nghề trèo cây cắt cành nên bà con gọi vậy, chứ ông tên Thân đặt theo tuổi Thân, tức năm nay năm tuổi. Ông bức xúc vì cái vụ nhà tái định cư cho người có thu nhập thấp gì đó. Ông hỏi tôi: “Ông nghĩ coi, có cái ông tổng giám đốc công ty bất động sản gì đó nói là phải cách ly những người nghèo ra khỏi người giàu, không để người nghèo sống ở trung tâm thành phố; mấy chỗ này để dành cho người giàu. Ông nghe có ói máu không chớ?”.
Tôi chưa kịp mở miệng, ông đã nói tiếp: “Ông bà, cha mẹ tôi ở khu này từ gần trăm năm nay, bây giờ nghe mấy ổng nói giải tỏa chỉnh trang đô thị, rồi sẽ làm chung cư dành một số căn hộ bán cho người bị giải tỏa có thu nhập thấp nhưng nghe cha đại gia này nói như tát vào mặt mình. Ổng bảo xây nhà cho người có thu nhập thấp trong trung tâm là rất phí, không nên dành 20% quỹ đất hoặc diện tích sàn cho các dự án nhà ở xã hội, kể cả người sinh ra và lớn lên ở khu trung tâm đó!”.
Tôi nói thôi giận làm gì cho hao tổn nguyên khí, đó chỉ là phát biểu của một cá nhân. Ông ta muốn dành những khu đất vàng xây nhà bán cho nhà giàu, chứ đã có kết luận gì đâu. Có điều ông này đã quá đà khi nói rằng người nghèo không thể ở trung tâm được, không thể sống chung với người giàu được. Ông ta còn nhấn mạnh “tôi nói là không thể sống chung được”.
Sau 30 năm đổi mới, mức sống người dân, đặc biệt tại các đô thi,̣ được nâng cao hàng chục lần. Rất tiếc sự phát triển đó lại tỉ lệ nghịch với văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử trong xã hội. Một số người giàu nhanh quá nhưng văn hóa lại lùn đi, tỏ ý coi thường những người nghèo ra mặt. Tôi xin kể ra đây vài trường hợp quen biết, tuy họ nghèo, ở nhà nhỏ trong hẻm nhỏ nhưng là những công dân ưu tú của thành phố, hơn biết bao anh nhà giàu do buôn gian bán lận hay những con sâu tham nhũng đục khoét công khố làm nghèo đất nước.
Không bao giờ than van
Một người bạn tôi, cả nhà gồm hai vợ chồng và hai con sống trong một căn nhà nhỏ 20 m2 với căn gác gỗ trong hẻm nhỏ đường Bàn Cờ. Bạn tôi là nhà giáo, bà vợ bán nước sâm đầu hẻm, hai con đều là sinh viên giỏi của hai trường thuộc ĐH Quốc gia. Gia đình họ sống rất mẫu mực, là những công dân ưu tú. Ông bạn tôi ngoài giờ dạy ở trường còn tham gia dạy lớp đêm miễn phí cho lũ trẻ mồ côi, trẻ em đường phố do hội phụ nữ phường tổ chức. Anh coi đây như là bổn phận và trách nhiệm với xã hội. Anh nói nhà mình nhỏ nhưng còn hơn bao người không nhà; lũ con mình tuy sống chật hẹp nhưng còn được ăn no mặc ấm, được học hành là quá hạnh phúc rồi. Hoặc một gia đình tôi quen ở trong con hẻm nhỏ đường Đề Thám, quận 1 với chín con người, ba thế hệ sống chung trong một căn nhà 30 m2 có một căn gác và một gác xép. Hai người con trai làm công nhân, hai cô con dâu một người nuôi dạy trẻ, một người buôn bán nhỏ ngoài chợ. Họ sống rất hòa thuận, nuôi dạy con cái nên người, đứa cháu đầu đã vào đại học. Ông cụ ngoài tám mươi, tai biến liệt giường cả chục năm nhưng các cô con dâu chăm sóc hết sức chu đáo, cả xóm ai cũng khen ngợi. Đâu nhất thiết là phải nhà cao cửa rộng, xe sang, lắm tiền nhiều của mà anh em cắn đắn nhau, con cái hỗn láo với cha mẹ. Anh con trai cả bảo “Bọn em tuy nghèo nhưng nghèo cho sạch rách cho thơm, không bao giờ bọn em than van, trách phiền số phận”.
Một trường hợp khác rất đáng trân trọng: Một chị công nhân tạp vụ, làm vệ sinh khu chung cư tôi ở, hằng ngày chị quét tước, lau dọn cả một block chung cư 15 tầng nhưng thấy chị lúc nào cũng tươi cười. Tưởng gia đình chị yên ổn, không ngờ một hôm gặp chị ngồi nghỉ tôi hỏi thăm mới biết hoàn cảnh gia đình chị hết sức khó khăn: Chồng mất sớm, mẹ chồng bị tai biến nằm liệt, chị phải đi làm 2-3 nơi, ban ngày làm ở chung cư, chiều tối về lau dọn, giặt giũ thuê cho hai nơi khác mới đủ tiền lo cho hai đứa con ăn học và thuốc thang cho mẹ chồng. Thế mà chị vẫn luôn tươi cười, thật đáng khâm phục. Người nghèo không khóc.