Cố danh thủ Tam Lang lúc sinh thời nổi tiếng là một trung vệ nho nhã. Ông thi đấu ở vị trí trung vệ phải chịu nhiều va chạm để cản phá nhưng luôn ra sân với cái đầu chải chuốt như lên sân khấu. Trang phục thi đấu của ông lúc nào cũng chỉn chu, sạch sẽ. Có trận ông mặc bộ đồ trắng ra sân và kết thúc trận đấu thì bộ quần áo ấy vẫn trắng tinh như mới. Năm 2012, ông nhận danh hiệu Vinh danh Fair Play. Đấy là danh hiệu vinh danh trọn đời dành cho những người có cống hiến lớn và tầm ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam (VN).
Sau nghiệp cầu thủ, ông Tam Lang làm công tác huấn luyện cho đội Cảng Sài Gòn và có lúc làm trợ lý HLV đội tuyển quốc gia. Khi HLV Tam Lang chia tay đội Cảng Sài Gòn năm 2003, bầu Hưng (ông Quách Thành Lai của Trung tâm TDTT Thành Long) mến mộ tài năng của ông bạn Tam Lang nên quyết năn nỉ bằng được, mời ông về làm công tác huấn luyện.
Nơi ấy, những ngày đầu làm công tác huấn luyện, thầy Tam Lang đi dọc các sân cỏ quan sát các cháu thể hiện những động tác với quả bóng. Ông chú ý ngay từ hình ảnh cha mẹ, phụ huynh chở con vào khi thi tuyển. Những đứa trẻ hiếu động, hay gây gổ…, thầy Tam Lang bao giờ cũng nói nhỏ với những trợ lý của mình: “Giúp chú quan sát kỹ những cháu bé đặc biệt này”.
Danh thủ Tam Lang nhận danh hiệu Vinh danh Fair Play tại buổi gala trao giải năm 2012. Đấy là danh hiệu Vinh danh Fair Play đầu tiên và cũng là thành tựu trọn đời đối với ông. Ảnh: XUÂN HUY
Cựu tuyển thủ Hồ Thanh Cang lúc nào cũng tôn trọng người đàn anh Tam Lang cả trên sân lẫn ngoài đời. Ảnh: XUÂN HUY
Thế rồi khi những em bé được tuyển chọn ra sân chơi với bóng, thầy Tam Lang vẫn ngầm quan sát. Không bất ngờ với những đứa trẻ “hiếu chiến”, thầy Tam Lang vẫn theo sát. Có lần chứng kiến, thầy Tam Lang gọi í ới một đứa trẻ vào và nói: “Con ơi, con không được đá như thế, con chơi như thế hại chân của bạn con đó…”. Thế rồi đứa trẻ “hiếu chiến” tỏ ra ăn năn và nhận lỗi: “Dạ, con hứa với thầy con không còn cố ý đá làm bạn đau nữa. Thầy thứ lỗi cho con…”. Và em bé đấy nhận lại cái xoa đầu động viên rồi vui vẻ chạy ra sân chơi bóng tiếp với các bạn…
Bóng đá VN đang tràn ngập bạo lực bởi không ít người lớn đã làm hư cầu thủ với trò cứ triệt hạ những tay săn bàn giỏi của đối phương để không bị bàn thua.
Vì bệnh thành tích mà người lớn bật đèn xanh cho cầu thủ và lặp đi lặp lại mà bóng đá VN cứ hay chứng kiến cảnh xấu xí.
Phương châm fair play của ông thầy Tam Lang đôi khi bắt nguồn từ những lời khuyên từ lớp vỡ lòng: “Con ơi! Đừng đá đau bạn! Đá thế là hủy hoại đôi chân bạn con đấy…”.
Đến giờ thì nhiều cầu thủ thành danh vẫn nhắc đến thầy Tam Lang. Có cầu thủ chuyển qua nghiệp HLV như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Lư Đình Tuấn… vẫn nổi tiếng là những người thầy ảnh hưởng phong cách ông Tam Lang luôn dạy học trò mình đá đẹp và tôn trọng đối thủ.
Đêm gala trao giải Fair Play 2012 cũng là ngày ra đời giải này, ông Tam Lang khập khiễng được tiền vệ Tài Em dìu lên sân khấu với ánh mắt đầy nghị lực. Ông cầm chiếc cúp vinh danh trên tay mà mắt rơm rớm nhưng hạnh phúc vì danh hiệu vinh danh trọn đời này. Ánh mắt ấy rất giống với ánh mắt mà chúng tôi từng chứng kiến những tháng năm gần cuối đời, khi nói chuyện với bạn già Phạm Văn Rạng, ông Tam Lang hay kể chuyện hồi đó bóng đá Nhật Bản rất sợ VN và cứ xin được đá giao hữu với VN. Hai ông bạn già ôn cố tri tân hình ảnh ngày xưa thật dễ thương và còn nói với nhau người Nhật Bản hồi đó học bóng đá VN vì chơi kỹ thuật chứ không có đá xấu, đá đau đồng nghiệp…
Ngày ông Tam Lang nằm xuống, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết đến bên quan tài ông chia sẻ: “Anh là một cầu thủ bóng đá lớn nhất mà em biết. Anh là một người khiến em luôn tôn trọng khi thấy anh ra sân, với vẻ hào hoa mà mỗi trận đấu của anh em đều thấy anh như vắt hết sức mình và tâm hồn mình với trái bóng. Không chỉ với riêng em mà người hâm mộ luôn nhớ và tự hào về anh…”. |