Ông Hải kể lại: “Toàn đội ngồi trên chiếc máy bay IL 20 của Nga, khi gần đến khu vực TP.HCM, chúng tôi cứ như những đứa trẻ lần đầu được đi xa thăm người thân vậy. Ai cũng thấp thỏm khi máy bay hạ độ cao và tranh nhau nhìn về phía cửa sổ vì nghe nói Sài Gòn đẹp lắm…”.
Chuyến đi đấy đội Tổng cục Đường sắt đá bốn trận gồm gặp Cảng Sài Gòn ở sân Cộng Hòa (sau đó đổi tên thành sân Thống Nhất), rồi xuống Sa Đéc đá với Đồng Tháp, sau đó qua thi đấu với đội Tây Ninh rồi trở về TP.HCM thi đấu trận cuối với Hải Quan.
Toàn đội Tổng cục Đường sắt lúc bấy giờ. Ông Lê Thụy Hải ngồi ở bìa trái. Hàng đứng HLV Trần Duy Long ở bìa trái, còn ông Mai Đức Chung đứng thứ sáu
từ trái sang. Ảnh: TƯ LIỆU
Ông Hải nhớ như in cái sân Cộng Hòa khi ấy trời nắng nóng nhưng từ giữa trưa các con đường quanh sân đã tắc nghẽn vì người hâm mộ mong xem trận đấu đầu tiên giữa cầu thủ hai miền. Còn tại Sa Đéc thì các mẹ, các chị đổ ra đường chào đón, còn toàn đội thì đêm ngủ trong văn phòng một cơ quan của Nhà nước và tất cả đều nằm đất. Biết đội ở đấy, các mẹ, các chị đã mang bánh kẹo và nấu cả chè mời các cầu thủ Đường sắt thưởng thức món “cây nhà lá vườn” khiến toàn đội ai cũng cảm động với tấm lòng của đồng bào miền Nam. Còn ở Tây Ninh thì giữa trận đấu bất ngờ thấy các mẹ, các chị, các em gái tay cầm những bịch nước mía mang ra mời các cầu thủ uống.
Nhưng nhớ nhất trong ký ức ông Lê Thụy Hải là trận đầu gặp Cảng Sài Gòn mà ông và đồng đội Mai Đức Chung ghi hai bàn trong chiến thắng 2-1 của đội Tổng cục Đường sắt. Ông Hải kể hồi đó khi qua được trung vệ Tam Lang và sút tung lưới thủ môn Lưu Kim Hoàng thì ông hạnh phúc lắm bởi cái tên Tam Lang hồi đấy trong mắt các cầu thủ phía Bắc lớn lắm. Và hạnh phúc hơn là sau chiến thắng đấy, đội Tổng cục Đường sắt được khán giả Sài Gòn đứng dậy vẫy chào như mừng người anh em đi xa trở về…