Theo báo DongA Ilbo (Hàn Quốc) ngày 7-10, những người đào tẩu trên, trong đó có nhiều người sống ở Hàn Quốc, dự định sẽ giữ vai trò chủ chốt trong tiến trình dân chủ hóa Triều Tiên.
DongA Ilbo cho biết chính phủ Triều Tiên lưu vong trên sẽ tìm cách thiết lập một hệ thống chính trị dân chủ, kết hợp với mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc, tin rằng sẽ thu hút sự hưởng ứng từ Bắc Kinh.
“Chúng tôi sẽ công bố việc thành lập một chính phủ Triều Tiên Dân chủ và Tự do lưu vong tại Washington vào đầu năm tới” - An Chan-il, người đứng đầu Viện Thế giới về người đào tẩu Triều Tiên (WINKD), nói.
An Chan-il cho biết ông đã liên lạc với 10 lãnh đạo của các nhóm đào tẩu để thảo luận về vấn đề này.
Người đào tẩu Triều Tiên sẽ lập chính phủ lưu vong ở Mỹ để thay thế chế độ ông Kim Jong-un. Ảnh: NATIONAL POST
Về mặt lý thuyết, chính phủ lưu vong sẽ được thành lập trên nền tảng các giá trị dân chủ và tự do nhưng sẽ áp dụng các cải cách kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc và chính sách mở cửa để đảm bảo nguồn đầu tư cần thiết sau khi giành được sự ủng hộ từ Bắc Kinh.
“Một chính phủ lưu vong được thành lập là những gì mà chế độ ông Kim Jong-un lo ngại nhất” - An Chan-il nói với tờ NK News. “Cũng như việc chúng ta ghét vũ khí hạt nhân, Triều Tiên không hề ưa thích chính phủ lưu vong. Tôi tin rằng sức mạnh vô địch để chống lại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chính là một chính phủ lưu vong”.
Theo kế hoạch, chính phủ lưu vong này sẽ được đặt tại Mỹ do hiến pháp Hàn Quốc coi Triều Tiên là một phần lãnh thổ và Seoul phản đối động thái này. “Công nhận chính phủ lưu vong đồng nghĩa với việc chính phủ Hàn Quốc xem Triều Tiên là một quốc gia nước ngoài. Điều đó trái với hiến pháp Hàn Quốc” - ông An giải thích trước các PV.
Động thái thành lập chính phủ lưu vong trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều công dân Triều Tiên trốn khỏi nước này, đặc biệt có sự gia tăng đáng kể trong số lượng các quan chức cấp cao trong nội bộ Triều Tiên chuyển sang chống đối nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hồi tháng 8, ông Thae Yong-ho, một quan chức cấp cao làm việc tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Anh, đã trốn đến Hàn Quốc. Ông Thae nói rằng ông quyết định đào tẩu vì bất mãn với chế độ của ông Kim Jong-un và khao khát tìm đến tự do.
Đầu tuần này, báo JoongAng Ilbo tường thuật hai quan chức cấp cao Triều Tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi cuối tháng 9 đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Nhật. Theo báo cáo, một trong hai quan chức này từng giữ vai trò mua thuốc và các thiết bị y học gửi về Triều Tiên.