Cuối giờ chiều 1-11, tại Hà Nội, Công ty Sản xuất giấy Lee&Man tổ chức họp báo. Cuộc họp chỉ có đại diện của công ty là ông Patrick Chung (Tổng Giám đốc điều hành công ty), đại diện các cơ quan chức năng không tham gia nên chưa thể có ý kiến đóng góp, phản biện...
Đoàn thanh tra có khuyến nghị về môi trường
Phát biểu trước báo chí, ông Patrick Chung (ảnh) nhìn nhận thời gian qua nhiều người e ngại dự án nhà máy giấy tại tỉnh Hậu Giang sẽ có tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, ông cho hay hệ thống xử lý nước thải của công ty là hiện đại, ngăn ngừa mọi tác động xấu.
Nhiều nhà báo hỏi: Tháng 7-2016, Bộ TN&MT đã thanh tra, kiểm tra đối với Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam, đến nay có kết luận chưa, công ty phải điều chỉnh hay khắc phục gì không. Ông Patrick Chung nói: “Tôi không thể thông tin kết luận của đoàn thanh tra nhưng sau khi kiểm tra Lee&Man, đoàn thanh tra có khuyến nghị một số yêu cầu có tính xây dựng. Đơn cử như bổ sung hồ sinh thái và một số công trình đảm bảo về môi trường…”.
ĐTM 2008 vẫn còn hiệu lực?
Ông Patrick Chung cho biết: “Báo cáo ĐTM phê duyệt năm 2008 đến thời điểm hiện nay còn hiệu lực. Tuy nhiên, hiện công ty mới chỉ áp dụng cho nhà máy giấy, còn nhà máy bột giấy thì chưa triển khai”. Ông Patrick Chung cho biết thêm: “Hiện nay công ty đã tách riêng ĐTM cho từng nhà máy. Chúng tôi tin tưởng báo cáo ĐTM mới của chúng tôi sẽ được phê duyệt sớm”.
Về việc khi nào Nhà máy giấy Lee&Man hoạt động, ông Patrick Chung cho hay: “Có thể đi vào hoạt động trong năm nay. Tuy nhiên, ngay cả chạy thử nhà máy phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hiện đoàn thanh tra Bộ TN&MT đã kiểm tra các quy trình, họ đã có khuyến nghị, đề nghị. Tôi nói thêm khi chúng tôi đến đây, chúng tôi tuân thủ pháp luật của Việt Nam”.
Nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang nằm ngay bên cạnh sông Hậu. Ảnh: Đ.TRUNG
Đóng cửa nhà máy nếu gây sự cố
Trả lời liên quan đến quá trình sản xuất giấy có sử dụng sút hay không và quy trình xử lý sút ra sao, ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường, ông Patrick Chung cho rằng: “Nhà máy giấy, bao bì đang ở giai đoạn cuối của xây dựng, chúng tôi chưa sản xuất. Thông tin về chúng tôi xả thải ra lượng sút rất lớn là không đúng. Còn lượng sút trong nước thải để sản xuất thì nó đã có trong quy định của cơ quan chức năng”.
Khi nói về việc nếu để xảy ra sự cố môi trường, công ty có sẵn sàng đóng cửa Nhà máy giấy Lee&Man hay không, ông Patrick Chung khẳng định: “Tôi đứng ở đây để cam kết, chúng tôi không đánh đổi môi trường lấy phát triển”.
Lo ngại bức tử sông Hậu Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đưa tin khi nhà máy sản xuất giấy, nhà máy nhiệt điện và hệ thống xử lý nước thải của Lee&Man sắp hoàn thành thì Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản gửi Thủ tướng bày tỏ những lo ngại nhà máy sẽ “bức tử” sông Hậu. Hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra quy trình công nghệ của nhà máy. Đến ngày 1-7, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra. Công ty TNHH giấy Lee&Man được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu là ngày 25-4-2007. Dự án có tổng vốn đầu tư 280 triệu USD, trụ sở chính tại thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) bên bờ sông Hậu. Sau đó đến ngày 27-7-2008, Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM. Ngày 11-12-2015, Bộ TN&MT cấp giấy phép xả nước thải vào sông Hậu… Thiết bị nhập từ nhiều nước Một trong những nội dung đáng chú ý được nhiều tờ báo nhấn mạnh hỏi lại nhiều lần là việc nhà máy giấy nhập thiết bị dây chuyền xử lý thải từ nước nào. Ông Patrick Chung cho biết: “Nhà máy bột giấy hiện vẫn chưa được triển khai mà chỉ có nhà máy sản xuất giấy, bao bì và thiết bị nhập từ nhiều nước...”. |