TP.HCM đang vào mùa mưa. Đây là khoảng thời gian các công nhân thoát nước ngán ngại nhất bởi tình trạng các nhà máy xả nước thải độc hại vào hệ thống cống thoát nước cũng gia tăng.
Bị bỏng khắp mình
“Tụi tôi đang múc bùn dưới hố ga ở khu vực gần vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân thì bỗng dưng có luồng hơi nóng xộc lên. Tôi vội nhảy lên đường nhưng toàn thân vẫn bị bỏng rát, phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng…”. Anh Nguyễn Đức Cường, công nhân Xí nghiệp Thoát nước Tây TP (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP), kể lại đồng thời vạch áo chỉ cho chúng tôi những vết nám do bị bỏng.
Trước đó tại khu vực này một công nhân khác của Xí nghiệp Thoát nước Tây TP là Nguyễn Thái Bình cũng gặp tình trạng tương tự, bị bỏng khắp người. “Hôm đó cũng may tôi thoát lên trên kịp chứ lỡ ngã quỵ dưới cống không biết tính mạng sẽ ra sao…” - anh Bình nhớ lại với vẻ mặt hãi hùng.
Ông Nguyễn Hoàng Quốc Khánh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước Tây TP, cho biết mới đây công nhân của xí nghiệp cũng bị bỏng khi nạo vét cống ở hương lộ 2, quận Bình Tân do nước thải nóng, độc hại từ các nhà máy xả ra.
“Địa bàn do xí nghiệp đảm trách có rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất nên tình trạng xả nước thải độc hại vào hệ thống cống thoát nước xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa. Hiện chúng tôi không dám cho công nhân xuống nạo vét ở những khu vực nguy hiểm mà phải dùng máy móc chuyên dụng” - ông Khánh ngán ngẩm.
Hai công nhân từng bị bỏng do nguồn nước thải độc hại từ các nhà máy xả ra kể lại vụ việc với phóng viên. Ảnh: TR.THANH
Không ai xử lý
Theo thống kê của Công ty Thoát nước Đô thị TP, trên hệ thống cống thoát nước của TP có khoảng 150 vị trí bị ô nhiễm do nước thải, chất thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, các cơ sở kinh doanh ăn uống… xả ra. Trong đó, nhiều vị trí mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng công nhân khi họ làm việc ở những khu vực này.
Ông Đinh Ngọc Thạch, Phó phòng Quan hệ cộng đồng, Công ty Thoát nước Đô thị TP, cho biết: Theo báo cáo của các xí nghiệp thoát nước, lưu vực Tây TP và lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm là hai khu vực có rất nhiều nhà máy thường xuyên xả hóa chất ra cống khiến công nhân dễ bị bỏng và ngạt thở.
“Do đặc thù công việc, công nhân thoát nước tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động. Tuy nhiên, các nhà máy thường xả thải lén, bất thường nên một số anh em công nhân không ứng phó kịp” - ông Thạch phân trần.
Theo ông Thạch, công ty đã tổ chức lấy mẫu nước thải ở nhiều vị trí ô nhiễm đem đi phân tích, xác định mức độ độc hại, sau đó báo cáo cho Trung tâm Chống ngập (đơn vị quản lý hệ thống thoát nước của TP). Đồng thời, công ty cũng gửi công văn yêu cầu các cơ quan quản lý môi trường kiểm tra, xử lý các đơn vị ô nhiễm. Song từ trước đến nay hầu như công ty không nhận được phản hồi về việc xử lý các đơn vị xả thải ô nhiễm.
TRUNG THANH
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập, ngao ngán: Không chỉ gây nguy hiểm cho công nhân, tình trạng xả nước thải, chất thải độc hại còn làm cho hệ thống cống thoát của TP mau xuống cấp, hư hỏng. Điển hình là đoạn cống thoát nước ở xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn quận 9. “Đoạn cống này mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị ăn mòn nhanh chóng bởi tác động của nguồn nước thải ô nhiễm từ các nhà máy. Vụ này UBND TP đã có văn bản chỉ đạo cảnh sát môi trường, các đơn vị quản lý môi trường vào cuộc. Song đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin về việc xử lý các đơn vị gây ô nhiễm ra sao” - ông Dũng cho hay. Trách nhiệm xử lý các nhà máy xả thải ô nhiễm vào hệ thống cống thoát nước chủ yếu thuộc về quận, huyện. Dù cống thoát nước là hệ thống chung, song việc khoanh vùng, xác định các đơn vị gây ô nhiễm ở khu vực đó để kiểm tra, xử lý là hoàn toàn có thể thực hiện được. Một cán bộ thanh tra Sở TN&MT TP.HCM |