Ông Nguyễn Văn Hùng, Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: Có sự ngại ngùng, né tránh, thiếu hợp tác thực lòng với truyền thông của một số cơ quan, tổ chức nhà nước. Cạnh đó là sự lạm dụng quyền năng của báo chí truyền thông để đưa thông tin thiếu khách quan, vụ lợi, đánh mất phẩm chất tốt đẹp của người làm báo. Hai yếu kém trên vẫn hiện hữu trong đời sống thông tin hằng ngày. “Các cơ quan nhà nước làm tốt việc nắm giữ thế chủ động trong cung cấp thông tin theo các văn bản luật sẽ góp phần không nhỏ để hạn chế và đẩy lui những hạn chế, tiêu cực nêu trên” - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CL
Theo ông Hùng, trong những năm qua đã có một số quy định chế tài việc không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng chưa ai bị xử lý. Điều này là một khiếm khuyết. Những người làm báo luôn cần thông tin, nhất là thông tin từ Nhà nước.
“Chúng tôi nghĩ đến một lúc nào đó, không chỉ nhờ vào luật mà thực tiễn đời sống sẽ điều chỉnh những vấn đề của xã hội. Luật Báo chí cũng như Luật TCTT sẽ là cơ sở pháp lý, xã hội, chính trị để giải quyết câu chuyện giữa truyền thông, báo chí với cơ quan nhà nước” - ông Hùng nói.
Được quyền yêu cầu cung cấp thông tin Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ Pháp luật Hình sự và Hành chính, Bộ Tư pháp, lưu ý: Luật TCTT quy định quyền TCTT của công dân và người nước ngoài. Còn quyền TCTT của nhà báo thì theo luật báo chí. Cách này ổn hơn ở chỗ bên cạnh tư cách công dân thì nhà báo được cung cấp nhanh hơn, không thể đợi 3-4 ngày để đảm bảo tính thời sự. Điều quan trọng là đạt được mục đích người dân được TCTT. Một điều quan trọng khác là đối với dự thảo Luật TCTT, công dân được quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin chứ không phải là Nhà nước ban phát thông tin cho công dân. Đó là những quyền mà Hiến pháp 2013 yêu cầu Nhà nước phải tôn trọng và thực thi. Khi có thông tin thì người dân và nhà báo có nguồn thông tin để nói lên chính kiến của mình. |