“Anh, chị, em ngày đêm túi bụi kiểm dịch y tế hành khách qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ga xe lửa, cảng tàu… để ngăn ngừa COVID-19 thâm nhập vào TP.HCM. Do vậy, nhà báo không thể gặp từng người để trao đổi và viết về việc làm của họ. Tôi cũng vậy, biết bao công việc đang chờ giải quyết nên chỉ có thể dành ít phút kể lại những khó khăn, vất vả mà nhân viên kiểm dịch gặp phải” - BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, tỏ lòng.
Bị người cách ly cự nự
Cách đây vài ngày, khi đó độ 5 giờ chiều, một nữ hành khách người Việt đáp chuyến bay từ Trung Quốc, qua Thái Lan đến sân bay TSN. Sau đó, vị khách này sẽ tiếp tục đi chuyến bay khác tới một tỉnh ở khu vực phía bắc. “Sau khi thực hiện tờ khai y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe, nhân viên kiểm dịch mời vị khách này vào khu vực riêng biệt ở sân bay nghỉ ngơi. Nhân viên kiểm dịch cũng nói rõ vị khách sau đó sẽ được chuyển tới bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi thực hiện cách ly, bởi thời gian vị khách từ Trung Quốc tới sân bay TSN chưa đủ 14 ngày” - BS Tâm kể.
Thế nhưng nghe nói bị cách ly, vị khách này lớn tiếng phản đối, dùng dằng bước khỏi khu vực riêng biệt và la rùm “Tôi có bệnh đâu mà cách ly” rồi nằng nặc đòi về nhà. Trước tình huống này, nhân viên kiểm dịch một mặt nhờ lực lượng an ninh sân bay hỗ trợ trật tự, một mặt kiên trì thuyết phục. Sau khi nghe nhân viên kiểm dịch giải thích những lợi ích bản thân, gia đình và xã hội khi thực hiện cách ly, vị khách dịu cơn bực tức và vui vẻ hợp tác.
“Nếu mọi vụ việc trơn tru, người cách ly vui vẻ đồng thuận ngay từ đầu thì thời gian giải quyết cách ly tiêu tốn không đầy một tiếng. Ngược lại, nếu người cách ly bất hợp tác, cự cãi thì thời gian giải thích, thuyết phục kéo dài từ bốn tới năm tiếng, làm mệt sức nhân viên kiểm dịch. Tuy nhiên, cho dù trong hoàn cảnh nào, nhân viên kiểm dịch luôn nhẫn nhịn để không ảnh hưởng tới hoạt động phòng, chống dịch COVID-19” - BS Tâm nói.
Nhân viên kiểm dịch kiểm tra tờ khai y tế của du khách. Ảnh: TÂM NGUYỄN
Nhân viên kiểm dịch đang theo dõi thân nhiệt du khách. Ảnh: TÂM NGUYỄN
Hủy chuyến du lịch cùng gia đình
Sau khi ghi nhận hai người Trung Quốc mắc bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM nhanh chóng thực hiện khai báo y tế đối với hành khách đến từ hoặc đi qua Trung Quốc. Thời điểm này xảy ra ngay trong những ngày tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hành khách đi qua cửa khẩu TSN rất nhiều nên cần lượng lớn tờ khai y tế. Do các nhà in nghỉ tết nên trung tâm tận dụng máy photocopy để in tờ khai y tế. Ngặt nỗi photocopy sử dụng chưa lâu đã nóng máy nên phải dừng, lát sau in tiếp.
“Trong khi nhiều người sum họp ấm cúng cùng gia đình đêm giao thừa thì chúng tôi căng mắt in từng tờ khai y tế. Có một chị nhân viên mặc dù nóng ruột vì con nhỏ gọi điện thoại liên tục nhưng vẫn cặm cụi bên máy photocopy suốt đêm, ăn không hết khoanh bánh tét” - BS Tâm cho biết.
Chuyện chưa dừng ở đây. Trước tết, nhiều anh, chị, em kiểm dịch lên sẵn kế hoạch về quê thăm gia đình hoặc đăng ký du lịch trong và ngoài nước. Đùng một cái, COVID-19 xuất hiện làm thay đổi mọi dự tính của nhiều người. Do yêu cầu công việc và sẵn sàng đáp ứng khi được huy động nên trung tâm đề nghị tất cả nhân viên kiểm dịch không ra khỏi TP.HCM, trừ những trường hợp đặc biệt. Do vậy, rất đông anh, chị, em kiểm dịch đành để vợ, chồng, con cái dắt díu về quê hoặc hủy chuyến du lịch cùng gia đình.
“Một anh kiểm dịch hứa đưa vợ và hai con đi du dịch Đà Lạt trong dịp tết. Tuy nhiên, do yêu cầu của đơn vị, anh phải hủy bỏ chuyến đi trong sự dỗi hờn của hai con. Nhìn hai con trùm kín mền khóc thút thít, anh không khỏi áy náy” - BS Tâm chia sẻ.
Bỏ tiền túi mua suất ăn cho người cách ly
Theo BS Tâm, sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới chuyện nhân viên kiểm dịch bỏ tiền túi mua suất ăn cho những người thuộc diện cách ly.
“Những ngày đầu thực hiện việc cách ly ở địa phương, do công tác chuẩn bị tại khu vực riêng biệt ở sân bay TSN chưa được đầy đủ nên nhân viên kiểm dịch trích một phần thu nhập của mình mua phần ăn cho những người chờ xe chuyển đến điểm cách ly ở địa phương cho dù suất ăn trong sân bay TSN không hề rẻ. Khi được hỏi, nhân viên kiểm dịch trả lời một câu rất thật: “Tâm lý người cách ly luôn hoang mang, lo lắng ngay phút đầu. Nếu mình gần gũi và quan tâm, họ sẽ yên lòng hợp tác. Như vậy, hoạt động phòng, chống COVID-19 sẽ trôi chảy và thuận lợi hơn”. “Nghe anh, chị, em kiểm dịch nói vậy, chúng tôi càng trân quý” - BS Tâm trải lòng.
BS Tâm cũng kể rằng vợ một anh kiểm dịch sinh con trai được hai tháng rất dễ thương. Đi làm về là anh này ôm con vừa hôn vừa nựng, từ chối nhiều chầu cà phê bạn bè rủ rê. Khi dịch COVID-19 xảy ra, anh này thường xuyên tham gia công tác kiểm dịch, thực hiện khai báo y tế nên tiếp xúc nhiều hành khách. Cho dù thực hiện đầy đủ các biện pháp chống lây nhiễm nhưng khi về nhà, anh cũng không dám bồng con và đứng khá xa vẫy tay với con.
“Có hôm anh không về, ở lại đơn vị. Tôi hỏi, anh cho biết do thương con nên phải đảm bảo an toàn cho con. Không ai biết được chuyện gì, chẳng may anh nhiễm bệnh rồi lây cho con thì có lỗi với con...” - BS Tâm chia sẻ.
Không có chuyện khai báo y tế “xạo” Dư luận hiện đang lo lắng với thông tin “Một người đi từ Daegu (Hàn Quốc) tới sân bay TSN thực hiện tờ khai y tế. Tuy nhiên, người này không khai đi từ Daegu mà khai đi từ Busan (Hàn Quốc) thì nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM có biết không?”. BS Nguyễn Hồng Tâm cho biết nhờ sự hỗ trợ của Công an cửa khẩu TSN nên nhân viên kiểm dịch nắm chắc hành khách đi từ địa phương nào. Do vậy, hành khách khai báo y tế không trung thực sẽ bị nhân viên kiểm dịch phát hiện ngay. |