Đã có nhiều nghiên cứu lý giải sự thành công của nền giáo dục phổ thông Phần Lan như chú trọng đào tạo giáo viên, đào tạo lấy học sinh làm trung tâm… Cũng từ tiếng vang ấy, mới đây Bộ GD&ĐT nước ta với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong nước đã tính toán đến việc nhập khẩu và ứng dụng phương pháp giáo dục của Phần Lan vào Việt Nam.
Khi nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông của Phần Lan, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông của quốc gia này được thiết kế, vận hành trên nền tảng triết lý về giáo dục của triết gia, nhà giáo dục học người Mỹ John Dewey (1859-1952).
Trong công trình Dân chủ và Giáo dục (Democracy and Education) công bố năm 1916, ông đã nêu ra các nguyên tắc của nền giáo dục hiện đại. Trong đó nổi lên ba đặc điểm:
Một là,nền giáo dục phải giúp học sinh phát triển được các năng khiếu cá nhân, có năng lực thực hiện được những trách nhiệm cá nhân trước xã hội.Hai là, nền giáo dục hiện đại phải là nền “giáo dục hành dụng” mà ở đó người học phải được cọ xát với những vấn đề có thực chứ không phải là sự suy lý về lý thuyết như kiểu giáo dục thời Cổ đại Hy Lạp. Thứ ba, đó hoàn toàn không phải là kiểu giáo dục buộc học sinh phải nhại lại những lời giảng của người thầy mà là thầy và trò cùng tham gia vào những nhiệm vụ xã hội theo phương thức của nhà trường. Do đó, giáo dục phổ thông Phần Lan đề cao việc giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua tri thức liên ngành.
Cơ sở triết học về giáo dục của John Dewey chính là nền tảng của việc thiết kế chương trình, tổ chức hoạt động giáo dục của hệ thống giáo dục phổ thông Phần Lan. Do đó, trong quá trình được đào tạo để trở thành giáo viên ở nước này, mọi sinh viên sư phạm đều phải tìm hiểu, khám phá tư tưởng giáo dục của John Dewey. Nhiều học giả đã cho rằng môi trường đó giống như phòng thí nghiệm những tư tưởng về giáo dục của John Dewey.
Như vậy, nếu chúng ta chỉ nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa của Phần Lan mà không quan tâm đến triết lý nền tảng của phương pháp giáo dục đó thì thật khó đạt được thành công như kỳ vọng. Nói cách khác, nếu chúng ta cho “phần mềm” hiện đại (chương trình giáo dục nhập khẩu) chạy trên “phần cứng” cũ kỹ thì rõ ràng kết quả sẽ khác dự liệu rất nhiều.
Theo tôi, cái cần là phải tư duy tìm ra con đường giáo dục cho chính mình, một đất nước hơn 90 triệu dân với sự đa dạng về dân tộc, trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế-xã hội khác biệt giữa các vùng miền chứ không chỉ đơn giản là nhập khẩu chương trình từ một quốc gia với nền tảng, trình độ phát triển hoàn toàn khác chúng ta.