Nhật cho phép quyền phòng vệ tập thể

Hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin tại phiên họp đặc biệt chiều 1-7, nội các Nhật đã chính thức thông qua nghị quyết về thay đổi cách giải thích điều 9 hiến pháp nhằm cho phép các lực lượng phòng vệ Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Nghị quyết nhấn mạnh Nhật vẫn là quốc gia hòa bình. Tuy nhiên, trước tình hình an ninh nghiêm trọng trong khu vực cũng như các mối đe dọa trên biển, trên không và không gian mạng xuất hiện, Nhật phải sửa đổi cách giải thích hiến pháp vì không nước nào có thể tự mình bảo vệ hòa bình.

Dự kiến Quốc hội sẽ dễ dàng thông qua nghị quyết này vì liên minh cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội.

Ngày 1-7, 2.000 người tập trung trước văn phòng thủ tướng ở Tokyo để phản đối thay đổi cách giải thích điều 9 hiến pháp. Ảnh: AP

Nghị quyết khẳng định điều 9 hiến pháp sẽ được giải thích theo hướng cho phép Nhật sử dụng vũ lực phòng vệ với ba điều kiện:

- Có tấn công vào Nhật hoặc các nước có quan hệ gần gũi với Nhật, đe dọa rõ ràng đến sự tồn vong của Nhật hoặc có thể hủy hoại quyền hiến pháp của người dân Nhật về tính mạng, tự do và mưu cầu hạnh phúc.

- Không có cách nào khác để đẩy lùi tấn công cũng như bảo vệ nước Nhật và người dân Nhật.

- Việc sử dụng vũ lực sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu cần thiết.

Nghị quyết khẳng định hành động sử dụng vũ lực như trên có thể được xem như thực thi quyền phòng vệ tập thể theo luật pháp quốc tế và Nhật sẽ chuẩn bị các dự thảo luật quy định cụ thể.

Tại cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định thay đổi cách giải thích hiến pháp chỉ nhằm cho phép Nhật sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu cần thiết để phòng vệ.

Ông khẳng định Nhật sẽ không sử dụng vũ lực để bảo vệ quân đội nước ngoài và không gửi quân tham gia các chiến dịch quân sự đa quốc gia ở nước ngoài, chẳng hạn như cuộc chiến Iraq năm 2003.

Báo Japan Times (Nhật) nhận định quyền phòng vệ tập thể đã được quy định là quyền dành cho tất cả quốc gia thành viên LHQ theo Điều 51 Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, trước nay các chính phủ cho rằng điều 9 chỉ cho phép sử dụng vũ lực khi Nhật bị một quốc gia có chủ quyền tấn công trực tiếp.

Thay vì sửa đổi điều 9 bằng cách bỏ phiếu ở Quốc hội (tối thiểu 2/3 số phiếu ủng hộ) hoặc thông qua trưng cầu dân ý, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định tìm kiếm sự ủng hộ của nội các.

Đến giờ chót, đảng Công Minh (thuộc liên minh cầm quyền) đã tán thành thay đổi cách giải thích điều 9 hiến pháp trong cuộc họp với đảng Dân chủ Tự do vào sáng 1-7.

Reuters ghi nhận đây là thắng lợi của Thủ tướng Shinzo Abe và là bước đi lịch sử của Nhật vì nghị quyết đã xóa bỏ lệnh cấm Nhật gửi quân tham chiến ở nước ngoài áp dụng 60 năm nay.

LÊ LINH

Ngày 1-7, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố yêu cầu Nhật phải được Hàn Quốc đồng ý nếu Nhật muốn thực thi quyền phòng vệ tập thể trong trường hợp tình huống an ninh khẩn cấp xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố kêu gọi Nhật phải xua đi lo ngại của các nước láng giềng về quá khứ quân phiệt khi sửa đổi cách giải thích hiến pháp.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể. Tuyên bố chỉ trích Nhật cố tình bịa đặt mối đe dọa Trung Quốc để phục vụ cho mục đích chính trị trong nước và dù diễn giải hiến pháp thế nào, Nhật cũng không được xâm phạm chủ quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm