Ngày 26-8, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán năm 2014 của KTNN.
Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, KTNN cho hay một số địa phương đã chi vượt định mức để mua xe ô tô và điều chuyển xe ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe theo quy định của Nhà nước.
Cụ thể, một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý, mua sắm, sửa chữa tài sản; sử dụng tài sản không đúng mục đích, vượt định mức số lượng về xe ô tô, chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm nhiều năm, còn tình trạng một số địa phương mua xe ô tô không phù hợp với mục đích trang bị; điều chuyển xe ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe.
Theo KTNN, nhiều địa phương đã chi vượt định mức để mua xe ô tô, điều chuyển xe ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe, mua ô tô không phù hợp với mục đích trang bị,...
Trong kết quả kiểm toán cho thấy hầu hêt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được phê duyệt.
16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương.
Theo kết quả của KTNN, hiện một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương đủ theo quy định, báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương dẫn đến Bộ Tài chính cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương hơn 240 tỉ đồng, một số địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 215 tỉ đồng.
Ngoài ra, đối với dự toán chi thường xuyên NSNN vẫn lặp lại các sai sót đã được KTNN phát hiện trong những năm qua như lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách hoặc số kiểm tra của Bộ Tài chính; lập dự toán không đầy đủ căn cứ và không sát thực tế; giao dự toán chậm,... Qua kiểm toán cho thấy một số dự án lập quy hoạch không phù hợp thực tế, tính khả thi và hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí; chất lượng thi công một số hạng mục của một số dự án không đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, công tác nghiệm thu còn nhiều sai sót,...
Một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, cách xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của một số dự án chưa đảm bảo tính đúng đắn, tỉ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý... cần được chấn chỉnh, khắc phục.