Chiều 3-5, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có buổi làm việc với BHXH TP Đà Nẵng về tình hình các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP nợ BHXH.
Ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH Đà Nẵng, cho hay thời gian qua BHXH TP đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các đơn vị sử dụng lao động về việc chấp hành pháp luật BHXH. Tuy nhiên việc tuân thủ của nhiều DN chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng, nợ BHXH vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Số nợ BHXH vẫn chiếm tỉ lệ cao so với kế hoạch thu được giao hàng năm. Tính đến 31-3-2019, các DN tại Đà Nẵng còn nợ gần 337 tỉ đồng tiền BHXH và tiền lãi.
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng làm việc với BHXH TP Đà Nẵng chiều 3-5. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Hiệp cho biết thêm, trong số các DN nợ BHXH có nhiều DN "mất tích", không còn hoạt động, không người quản lý điều hành, DN phá sản hoặc giải thế. Do đó, số tiền nợ BHXH gần như không có khả năng thu hồi.
“Có DN mà Thanh tra Chính phủ đã vào làm việc nhưng không thể thu hồi nợ vì không có khả năng tài chính. Cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều biện pháp như kiểm tra, khởi kiện… nhưng cũng vẫn không thu được nợ do DN không còn khả năng trả nợ”, ông Hiệp nói.
Ngoài việc đôn đốc thu hồi nợ, trong năm 2018, BHXH Đà Nẵng đã chuyển sáu hồ sơ vụ việc đến Công an TP xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Năm 2019, BHXH Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Công an TP xem xét quy trình, thủ tục để chuyển hồ sơ một số DN có dấu hiệu trốn đóng BHXH, đề nghị xử lý hình sự.
Lãnh đạo BHXH Đà Nẵng cho hay với BLHS năm 2015 (hiệu lực thi hành từ 1-1-2018), lần đầu tiên pháp luật Việt Nam có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Từ những bất cập trên, lãnh đạo BHXH Đà Nẵng đề nghị đoàn ĐBQH TP tiếp tục có ý kiến đối với các cơ quan pháp luật, cần có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn khởi kiện các DN nợ BHXH ra tòa.
BHXH Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý số tiền nợ của các DN mất tích, phá sản... hoặc còn tồn tại nhưng không có khả năng thu hồi; xem xét đưa số tiền nợ BHXH từ sáu tháng trở lên vào nợ xấu để quản lý và xử lý.
Ngoài ra, BHXH Đà Nẵng đề nghị cơ quan thuế cần có biện pháp cụ thể đối với DN không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, nhưng vẫn quyết toán thuế hàng năm.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP nhìn nhận DN vi phạm pháp luật về BHXH tức là quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông Sơn, thống kê cho thấy rất nhiều loại DN sai phạm về BHXH. Về mặt pháp lý, cần phải có sự phân loại cụ thể để quyết định cách hành xử cho phù hợp.
“BLHS mới quy định khá đầy đủ về việc này. Đề nghị BHXH Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, xử phạt hành chính đối với các hành vi mà BLHS trước đây không coi là tội phạm. Đồng thời khi chuyển cơ quan điều tra, BHXH Đà Nẵng cũng nên gửi cho đoàn ĐBQH TP một bản sao hồ sơ để đoàn ĐBQH TP thực hiện trách nhiệm giám sát với địa phương”, ông Sơn nói.