Nhiều lao động nữ tháo chạy khỏi Ả Rập

Điều kiện làm việc khắc nghiệt, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo là những cú sốc lớn đối với những phụ nữ ôm mộng đổi đời.

Cách đây chưa lâu, Văn phòng AAT Việt Nam (Liên minh Phòng, chống mua bán người) đã giúp đỡ hai phụ nữ Việt hồi hương từ Ả Rập. Đã vài tháng trôi qua từ khi rời khỏi đất nước xa hoa giàu có, hai phụ nữ này vẫn chưa quên được những ngày tháng đầy nước mắt ở quê người. 

Đây là hai câu chuyện mà người trong cuộc đã chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM

Bị bỏ đói, làm việc đến ngất xỉu

Tôi tên NTN, quê Sa Đéc, Đồng Tháp. Cách đây hơn một năm, tôi đọc thông tin tuyển người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Ả Rập trên mạng muaban.net, lương tháng 13 triệu đồng, công việc là giúp việc nhà đơn giản. Tôi gọi điện thoại liên lạc, mọi chuyện vô cùng dễ dàng và thuận lợi. Công ty liên hệ với tôi tên là Tân Hoàng Minh, họ nói với tôi chỉ cần học tiếng, học việc đúng... ba tuần là được cho đi. Tôi vô cùng vui mừng và bất ngờ, bởi trước giờ tôi cứ ngỡ điều kiện đi XKLĐ là rất khắt khe, khó khăn. Phía công ty có nói rằng tôi sẽ giúp việc cho các nhà giàu, nếu làm chủ hài lòng, tôi sẽ được thưởng thêm.

Đến ngày ra sân bay, trước giờ bay hai tiếng, tôi mới nhìn thấy hợp đồng lao động. Tôi ký luôn, vì tôi không có đủ thời gian đọc hết các bản hợp đồng viết bằng mấy thứ tiếng. Tôi chỉ hỏi lại về mức lương, thấy giống như cam kết ban đầu, vậy là tôi lên đường. 

Qua đến nơi, tôi được đưa dến vùng Parabi, là một ngôi làng nằm trên một quả đồi. Gia chủ đến đón tôi, xem giấy tờ rồi... giữ luôn. Sau đó, họ đưa tôi vào gặp một cụ già, giao cho tôi chăm sóc bà cụ. Tôi cứ nghĩ việc này đơn giản thôi nhưng không ngờ nó lại quá sức chịu đựng của tôi ngay ngày đầu tiên. Bà cụ bắt tôi phải đấm bóp cho bà cả ngày không được nghỉ tay. Khi bà ngủ thiếp đi, tôi mới được chợp mắt một chút. Nhưng rồi người nhà họ lại lay tôi dậy, nói tôi phải đi chẻ củi. Chẻ củi xong họ chở tôi qua nhà em họ của họ, sai tôi đi lau dọn phòng. Trời đất ơi, nhà cửa bên đó như tòa lâu đài, nhà nào nhỏ cũng có hơn 20 phòng. Tôi làm xong kiệt sức, tôi nói tôi mệt quá rồi, họ mới cho tôi ăn. 

Hai chị NTN và PTX được mạng lưới của AAT giúp đỡ tháo chạy khỏi Ả Rập trở về quê nhà.

Thức ăn của họ quả thật là cơn ác mộng với tôi, họ chỉ ăn bánh mì với muối, các loại hạt và không có thịt, thời gian đó họ ăn chay. Tôi không nuốt nổi vì không hợp khẩu vị và quá mệt. 

Sáng sớm hôm sau, tôi vẫn bị lay dậy làm việc quần quật tới quá trưa. Họ không ăn trưa, còn tôi thì đói lả, xuống chỗ chị đầu bếp xin đồ ăn. Chị chỉ dám đưa tôi một ít bánh mì lạt và muối. Ở đây, dù giàu có nhưng việc ăn uống dành cho người làm vẫn rất khắt khe, người làm chỉ được ăn một bữa mỗi ngày. Tôi cảm thấy sốc. Tôi gầy đi trông thấy sau chỉ ba ngày làm việc. Cho đến một hôm tôi đang lau nhà thì bị xỉu. 

Họ đưa tôi đến bệnh viện nhưng giữ điện thoại của tôi, không cho tôi gọi về nhà. Tôi van xin họ cho tôi nghỉ việc và đưa trả tôi về công ty môi giới. Họ nói họ đã trả khoảng 200 triệu đồng tiền Việt cho công ty môi giới, nếu tôi muốn nghỉ việc thì tôi phải bồi thường số tiền đó cho họ trước đã. Tôi cắn răng cố làm tiếp. 

Đến tháng thứ tư, tôi không còn chịu đựng nổi. Tôi đình công và tuyệt thực đến ngất xỉu, họ lại phải đưa tôi đi bệnh viện và trả lương cho tôi. Rồi tôi liên hệ được với công ty môi giới, họ hứa sẽ đưa tôi về nhưng trước khi về họ chuyển tôi sang làm cho một gia đình khác nữa. Tôi chỉ làm việc thêm gần một tháng rồi trốn ra văn phòng của công ty, một mực đòi được trả về nước. 

Nhờ liên lạc được với vài người tốt, tôi được họ mua giúp vé máy bay. Về tới TP.HCM mà tôi vẫn còn khóc hoài. Tôi lại trắng tay, số tiền lương thực lãnh của tôi không bao nhiêu vì bị trừ linh tinh nhiều khoản vô lý. 

Hiện nay tôi đi làm giúp việc ở quê, mỗi tháng chỉ được 5-6 triệu đồng nhưng tinh thần tôi vui vẻ, hạnh phúc hơn nhiều. Đừng nghĩ qua nước giàu là dễ kiếm tiền. 

Khi đi khỏe mạnh, khi về bệnh tật

Tôi tên PTX, quê Cẩm Phả, Thanh Hóa. Một người quen giới thiệu tôi đến Công ty VietCap. Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh chóng, họ cho biết nhu cầu thuê người giúp việc ở các nước UAE khá cao. Họ động viên chúng tôi làm tốt sẽ được thưởng nhiều vì mức sống ở Ả Rập cao. Hợp đồng cho biết mức lương hằng tháng của tôi quy đổi được 9 triệu đồng tiền Việt. Tôi ký hợp đồng hai năm, với hy vọng sau hai năm tôi có số vốn giúp con cái làm ăn. 

Để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang làm việc tại Saudi Arabia, Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa dự thảo quy định doanh nghiệp đưa người lao động sang Saudi Arabia làm việc phải tổ chức đào tạo người lao động tối thiểu là 45 ngày tại cơ sở đào tạo đã báo cáo và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận. 

Trong hợp đồng mô tả công việc của tôi là lau chùi, dọn dẹp nhà cửa và chăm cây cảnh. Nhưng qua đến nơi tôi mới biết “lau chùi, dọn dẹp nhà cửa” là làm tất tần tật mọi việc trong ngôi nhà lớn như cung điện, sân vườn rộng mênh mang. Tôi làm từ sáng sớm đến tối không hết việc nhưng họ chỉ cho ăn một bữa.

Nhưng đáng sợ nhất là khi có đám tiệc. Nhà họ tổ chức ba đám cưới trong thời gian tôi ở đó. Trời đất ơi, đám cưới cả ngàn người ra vào tấp nập mà họ không thuê người chuyên trách dọn dẹp, chỉ một mình tôi phải dọn dẹp thâu đêm suốt sáng. Tôi phản ứng, họ nói họ thuê tôi để làm những việc này. Sau đám cưới tôi ngất xỉu. 

Khí hậu khắc nghiệt, thức ăn không phù hợp, làm việc quá sức khiến tôi đổ bệnh. Tôi bị đau bao tử nghiêm trọng, da bị viêm. Biết tôi bị bệnh, họ đưa tôi đi khám bệnh với thái độ rất khó chịu. Khi hết hợp đồng, tôi kiên quyết xin về. Họ đã vào phòng tôi, đổ hết valy của tôi ra để kiểm tra, khám người tôi để chắc chắn tôi không giấu đồ. Tôi phẫn nộ vì bị xúc phạm nhưng họ cho rằng họ có quyền làm vậy với người làm. Ở Ả Rập, nhiều người giúp việc bị đối xử tồi tệ. 

Khi tôi về tới sân bay Tân Sơn Nhất, tôi mới biết chuyến bay đó có một số chị em trốn chạy được đưa về Việt Nam từ nhiều mạng lưới. Tôi được AAT đưa về khách sạn, hỗ trợ vé tàu và tiền để quay về quê. Sau hai năm lao lực ở xứ người, tôi chỉ còn vài chục triệu đồng. 

Trang bị kỹ để hạn chế rủi ro

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Hàn Quốc, Tây Á, châu Phi - Cục Quản lý lao động ngoài nước, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH vừa có chuyến khảo sát thị trường Saudi Arabia để có thông tin đầy đủ, đa chiều hơn về thị trường lao động này. Theo ông Hà, thị trường lao động Saudi Arabia vẫn ghi nhận có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trước khi đến một nước xa lạ làm việc, người lao động cần phải trang bị kỹ năng làm việc, phong tục tập quán và vốn ngoại ngữ để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, người lao động cần liên hệ phòng, Sở LĐ-TB&XH các địa phương nơi mình sinh sống để tìm hiểu thông tin, điều kiện làm việc, mức lương, khi xảy ra tranh chấp lao động thì liên hệ cơ quan nào để giải quyết…

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm