Nhiều lợi ích từ 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc

(PLO)- Việt Nam - Trung Quốc đang quyết tâm đưa sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” đi vào thực tiễn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba tuyến đường sắt kết nối giữa Việt Nam - Trung Quốc, gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, được Thủ tướng Phạm Minh Chính thúc đẩy thông qua chuyến công du vừa qua cho thấy rõ quyết tâm của VN trong việc hiện thực hóa càng sớm càng tốt sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Cả ba đại dự án đường sắt nếu được thực thi đúng tiến độ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Lợi ích từ các dự án đường sắt

Thứ nhất, các đại dự án này sẽ giúp tăng cường năng lực logistics, qua đó giúp tăng cường lưu chuyển hàng hóa và thông thương song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc. Vận tải đường sắt có một số ưu điểm so với đường bộ, nhất là ưu thế về số lượng hàng hóa vận chuyển, mức độ an toàn và cố định về mặt thời gian, tần suất vận chuyển hàng hóa.

Duy trì tính kết nối mạnh mẽ về kinh tế và thương mại giữa hai nước sẽ giúp VN tận dụng được thị trường TQ rộng lớn để tăng cường nội lực, phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo đòn bẩy quan hệ song phương luôn tồn tại các yếu tố tương hỗ tích cực, giúp duy trì hòa bình và hữu nghị giữa hai nước.

Nhiều lợi ích từ 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên. Ảnh: VGP

Thứ hai là một sự lan tỏa mang yếu tố vùng. Biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc được đánh giá là sôi động và ổn định bậc nhất trong tất cả vùng biên giới trên bộ giữa TQ và các nước láng giềng.

Cùng với các dự án cao tốc trục dọc Bắc - Nam, các dự án đường sắt kể trên tạo lợi thế cạnh tranh, giúp VN duy trì vai trò là cửa ngõ để hàng hóa từ các tỉnh phía Nam TQ có thể thâm nhập ASEAN. Một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, cả đường bộ lẫn đường sắt, sẽ tăng cường vai trò của khu vực phía Bắc của VN như là một địa điểm đầu tư hấp dẫn và cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương mà các tuyến đường sắt này đi qua, nhất là các tỉnh vùng núi và trung du còn nhiều khó khăn.

Yếu tố thứ ba cần được nhấn mạnh là yếu tố địa chính trị và an ninh, quốc phòng. Một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông toàn diện sẽ giúp cho quá trình đảm bảo an ninh, quốc phòng được thuận lợi và dễ dàng hơn, nhất là giúp đảm bảo duy trì hiệu quả khả năng của các khu vực biên giới (bên cạnh hệ thống đường cao tốc và đường tuần tra biên giới).

Bên cạnh đó, một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại sẽ giúp VN duy trì vị thế địa chính trị quan trọng của mình như là một giao điểm kinh tế chính trị không thể bỏ qua, trong bối cảnh các nước láng giềng ở Đông Nam Á lục địa cũng đang đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng.

Giải pháp hiện thực hóa các dự án

Trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông giữa Việt Nam - Trung Quốc, bài toán đặt ra là vừa phải biết tận dụng thế mạnh của nước bạn, vừa phải dự báo và giảm thiểu những bất cập có thể xảy ra trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Muốn vậy, trước hết VN phải học hỏi và chuyển giao công nghệ. Có những điều khoản chuyển giao công nghệ đường sắt mới nhất từ TQ, vốn là một quốc gia đi đầu về lĩnh vực này, sẽ giúp gia tăng năng lực công nghệ của VN, gia tăng tính tự chủ chiến lược về cơ sở hạ tầng cho giai đoạn phát triển sau này của VN.

Thứ hai, VN có thể tận dụng nguồn vốn từ phía TQ, cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và là láng giềng, có mối quan hệ chính trị tốt đẹp với VN. Tất nhiên, cần đảm bảo yêu cầu rõ ràng, minh bạch các điều kiện đi kèm với nguồn vốn. Việc đánh giá và quản trị các rủi ro khả dĩ khi vay vốn là điều cần thiết đối với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, VN cần tận dụng và học hỏi kinh nghiệm của TQ trong việc lập kế hoạch và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn một cách hiệu quả. Qua đó, VN có thể áp dụng và xây dựng một hình mẫu hợp tác cơ sở hạ tầng song phương hiệu quả, có tính kinh tế cao. Đây là điều mà bản thân TQ cũng cần, qua đó chứng minh sáng kiến “Vành đai và Con đường” (OBOR) có những yếu tố tích cực và hiệu quả.

Trong quan hệ hợp tác phát triển hạ tầng giữa Việt Nam - Trung Quốc, VN cũng cần điều tiết khâu quản lý dự án, kiểm soát, đánh giá các tác động của dự án một cách hiệu quả và tối thiểu hóa các tác động không mong muốn. Có những cơ chế giúp đảm bảo dự án tiến hành đúng tiến độ, tránh đội vốn, tránh kéo dài. Công khai và minh bạch sẽ là các điều kiện tiên quyết để đảm bảo cân bằng hài hòa giữa lợi ích của nhà tài trợ nước ngoài, giữa Nhà nước và người dân thụ hưởng dự án.•

(*) Nghiên cứu sinh Chính trị quốc tế, ĐH New South Wales (Úc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm