Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc muốn đầu tư điện và xe điện vào Việt Nam

(PLO)- 19 tập đoàn và tổng công ty của Trung Quốc muốn đầu tư điện và xe điện ở Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, dự kiến ngày 14-5 Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ lãnh đạo của 19 tập đoàn và tổng công ty của Trung Quốc.

Cũng theo nguồn tin, các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ kiến nghị đề xuất bốn nhóm vấn đề gồm: Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; sản xuất thiết bị năng lượng sạch; phát triển xe điện; kinh tế số và chuyển đổi số.

Doanh nghiệp muốn “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Trong nhóm các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo năng lượng sạch của Trung Quốc, họ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam ở các dự án cải tạo điện than, nhằm nâng cao hiệu quả phát điện; phát triển các dự án lưu trữ năng lượng, tránh tình trạng quá tải lưới điện; đồng thời tham gia đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện.

Thêm vào đó, doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia xây dựng chính sách, cơ chế phát triển ngành điện theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hướng phát triển năng lượng bền vững. Chính phủ hỗ trợ khuyến khích các dự án năng lượng mới như điện mặt trời, điện gió, điện rác, thủy điện tích năng, lưu trữ điện và điện sinh khối.

Đi vào cụ thể, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn Chính phủ nước ta nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư điện mặt trời áp mái nối lưới; hệ thống lưu trữ điện năng cho người dùng và chính sách mua bán điện trực tiếp; hỗ trợ người dùng điện tận dụng năng lượng sạch phát điện tự dùng, thúc đẩy phát triển xanh và giảm tải áp lực cho lưới điện quốc gia.

Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư điện mặt trời... Ảnh: VŨ LONG
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư điện mặt trời... Ảnh: VŨ LONG

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc mong Chính phủ, Bộ KH&ĐT ban hành chính sách hoặc chỉ đạo rút ngắn thời gian đấu thầu các dự án điện rác xuống khoảng 6 tháng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện rác. Song song đó, xem xét vấn đề chồng lấn quy hoạch giữa phát triển các dự án điện tái tạo với các quy hoạch phát triển ngành khác.

Doanh nghiệp lo thiếu điện sản xuất

Với nhóm doanh nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng sạch của Trung Quốc, họ mong muốn Chính phủ có các giải pháp về chính sách chống bán phá giá của Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các sản phẩm tấm pin quang điện nhập khẩu có xuất xứ từ các nước ASEAN tại thị trường Mỹ.

Thêm vào đó, doanh nghiệp Trung Quốc có thông tin cho rằng thuế xuất khẩu của Việt Nam sẽ được thực hiện theo thuế suất chung quốc tế. Nếu thực hiện theo thỏa thuận này, doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp công nghệ cao sẽ mất đi lợi ích thuế đầu tư ban đầu, ảnh hưởng đến tổng thể bên ngoài, cạnh tranh trên thị trường của công ty, không có lợi cho việc mở rộng và phát triển của công ty.

Nhóm doanh nghiệp trên cũng đề nghị Việt Nam có chính sách, giải pháp đảm bảo cung cấp nguồn điện cho doanh nghiệp sản xuất thanh silicon, tấm silicon, tấm mô – đun năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn Chính phủ Việt Nam kéo dài Visa làm việc của người lao động từ 1 năm lên hơn 3 năm, visa của các kỹ sư nhà thầu thiết bị Trung Quốc có thời hạn 1 năm.

Riêng Công ty TNHH giải pháp năng lượng công nghệ cao V-G, đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp xin đất phát triển nhà ký túc xá cho dự án sản xuất pin lithium-ion tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Mục đích cải thiện môi trường sống và làm việc của cán bộ nhân viên, tạo điều kiện thu hút, giữ chân các kỹ sư, công nhân yên tâm ở lại cùng doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp phát triển xe điện của Trung Quốc lại đề nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách cho ngành công nghiệp xe điện. Chẳng hạn xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm năng lượng mới; xem xét cho các xe PHEV (kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện) với phạm vi di chuyển thuần điện 100km được hưởng chính sách hỗ trợ như của xe điện BEV (chạy bằng động cơ điện, sử dụng pin để lưu trữ năng lượng) hiện nay.

Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Chẳng hạn như miễn thuế mua hàng, trợ cấp tiêu dùng mua xe…

Nhóm doanh nghiệp chuyển đổi số, kinh tế số của Trung Quốc mong muốn Chính phủ Việt Nam đưa ra chương trình trợ cấp hỗ trợ phát triển ứng dụng cho ngành công nghiệp 5G và tạo ra các tiêu chuẩn ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm