Những ngày cuối năm 2015, thế giới vẫn chưa thôi chứng kiến các thảm họa tự nhiên ập lên đầu người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đợt lũ kinh hoàng vẫn đang hoành hành các quốc gia Nam Mỹ, Mỹ và Vương quốc Anh trong những ngày qua. Bên cạnh “nhân tai” thì thiên tai cũng đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng tỉ USD tổn thất và nhiều thiệt hại phi kinh tế khác.
Trên bản đồ “thảm họa tự nhiên” của Google được cung cấp thông tin bởi Disaster-Report.com, dễ thấy năm 2015 hứng chịu hầu hết các loại thiên tai, bao gồm động đất, sóng thần, cháy rừng, bão và cả lốc xoáy. Thiên tai xảy ra hầu hết ở Trung và Nam Á, Nam Mỹ và Nam Phi.
Bão lũ kinh hoàng ở châu Âu, châu Mỹ
Truyền thông quốc tế những ngày cuối tháng 12-2015 đưa tin liên tục về nạn lũ lụt diễn ra một lúc ở nhiều quốc gia trên thế giới, để lại thiệt hại nghiêm trọng. The Guardian cho biết có đến hơn 100.000 người dân tại khu vực biên giới các nước Paraguay, Uruguay, Brazil, Argentina đã phải rời bỏ nhà cửa vì lũ lụt kinh hoàng do hiện tượng El Nino gây ra tại khu vực Nam Mỹ. Trong khi đó, theo AP, con số người di tản khẩn cấp phải lên đến hơn 160.000 người. Tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới (WMO) nhận định đây là đợt El Nino mạnh nhất trong vòng 15 năm trở lại đây và hiện tượng này sẽ còn làm khổ người dân tại các nước này trong thời gian tới.
Trong khi đó tại Mỹ, tình hình bão lụt cũng khiến người dân lao đao. Mưa bão kèm theo lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của 26 người. Cơ quan Dự báo Thời tiết quốc gia cho biết bão kèm lốc xoáy đã quét qua Texas và một số thị trấn gần Dallas. Khi các cơn lốc xoáy chưa có dấu hiệu vãn hồi toàn bộ thì bão tuyết lại ập đến tại miền Trung và miền Nam nước Mỹ, giết chết 43 người trong mùa Giáng sinh. Đó là chưa kể gần 178 vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến thời tiết vào tối 26-12 khiến gần 60 người bị thương; sau đó là gần 1.300 chuyến bay ở Mỹ bị hủy hôm 27-12 vì thời tiết xấu.
Tại Anh, Disaster-report.com cho biết mưa lớn đột ngột đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại miền Bắc nước Anh. Reuters mô tả lượng mưa 127 mm (bằng lượng mưa trong vòng gần một tháng) đã đổ xuống chỉ trong vòng 24 giờ tại khu vực tây bắc nước Anh. Theo BBC, có ít nhất 2.200 ngôi nhà tại TP York phải di chuyển khẩn cấp sau sáu cảnh báo lũ ở mức độ “cực kỳ nguy hiểm”. Ngoài ra rất nhiều gia đình ở các TP Mytholmroyd, Ribchester, Whalley, West Yorkshire,… cũng chịu cảnh tương tự. Sông Irwell và sông Roch đều có mực nước tăng cực mạnh, quá tải gây lũ lụt nghiêm trọng ở Salford, trung tâm TP Manchester và Rochdale.
Hàng ngàn người ở TP York (Anh) khổ sở di dời vì đợt lũ kinh hoàng. Ảnh: INDEPENDENT
Khu công nghiệp Thâm Quyến bị lở đất nhấn chìm, thiệt hại nặng về người và tài sản. Ảnh: THEINSIDEKOREA
Lở đất ở Thâm Quyến, Trung Quốc
Hôm qua (28-12), truyền thông Trung Quốc đưa tin cựu giám đốc Văn phòng Quản lý đô thị quận Quang Minh, TP Thâm Quyến (Trung Quốc) đã tự sát. Vị này là người điều hành cơ quan kiểm soát chất thải xây dựng - nguyên nhân gây ra thảm họa lở đất khiến hơn 90 người mất tích ở Thâm Quyến, thành phố hiện đại đang có tham vọng cạnh tranh với đặc khu Hong Kong, hồi tuần trước (20-12). Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng và tai hại khủng khiếp của vụ lở đất mang tính thiên tai nhưng có sự tham gia của yếu tố con người.
Theo thống kê mới nhất, vụ lở đất ở Thâm Quyến đã khiến tất cả 33 tòa nhà trong Khu công nghiệp TP Thâm Quyến, phía nam tỉnh Quảng Đông, bị vùi lấp kinh hoàng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lệnh cho ngành chức năng phải ngay lập tức dồn sức cho công tác tìm kiếm và giải cứu người bị nạn. Hãng Tân Hoa xã cho hay vụ lở đất còn làm nổ tung 400 m đường ống dẫn khí đốt tự nhiên thuộc đường ống dẫn khí tây sang đông của Công ty PetroChina, hiện là nhà sản xuất dầu mỏ và khí gas lớn nhất của Trung Quốc. Hiện có gần 15 người đã được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, trong đó có những nạn nhân lâm vào tình trạng nguy kịch; số người còn mất tích còn nằm ngoài đống đổ nát khi “48 giờ vàng” đã trôi qua từ rất lâu.
Lũ lụt lịch sử ở Ấn Độ
Cuối tháng 11-2015, Ấn Độ hứng chịu cơn mưa lớn nhất trong vòng 100 năm qua lên đến 49 cm trong vòng 24 giờ. Truyền thông quốc tế mô tả TP Chennai của bang Tamil Nadu của Ấn Độ chìm trong biển nước. Người dân Ấn Độ phải mang vác đồ đạc lên cao khỏi đầu, đi bộ vượt qua những con đường nước lũ ngập ngang ngực, trong khi các khu dân cư ven sông bị cuốn trôi toàn bộ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân gây nên thảm họa này.
Ước tính có đến 379 người chết vì lũ cuốn, trong đó có đến 54 người đến từ bang Andhra Pradesh (hàng xóm của bang Tamil Nadu), nơi nước lũ làm hư hại 100.000 mẫu Anh hoa màu có giá trị lên đến 190 triệu USD. Theo Reuters, hàng loạt trường học, nhà máy, cửa hiệu và nhiều địa điểm công cộng khác cũng bị đóng cửa để tránh trường hợp chết người vì lũ quét. Các nhân viên của tổ chức World Vision hiện vẫn tiếp tục công tác cứu trợ những người gặp thảm họa, phân phối nước sạch, thức ăn và các phương tiện phòng tránh bệnh tật; cung cấp nơi học, vui chơi và sinh hoạt cộng đồng cho trẻ em.
Liên Hiệp Quốc cho biết Ấn Độ là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Nếu tính luôn “hàng xóm” Trung Quốc thì có đến hơn 3 tỉ người, chiếm 75% tổng số 4,1 tỉ người trên thế giới, bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu trong giai đoạn 1995-2015.
Động đất kép ở Nepal
Động đất Nepal cũng là sự kiện mà thế giới 2015 không thể nào quên. Cuối tháng 4-2015, trận động đất cực mạnh lên đến 7,9 độ Richter xảy ra tại Nepal giết chết 8.800 người. Đây là thảm họa gây chết người lớn nhất được ghi nhận tại đất nước có 260 triệu dân thuộc vùng Himalaya này. Vài tuần sau cú sốc khó thể chấp nhận này, trận động đất kế tiếp 7,3 độ Richter như muốn vùi dập luôn sự sống tại Nepal.
Hai trận động đất lịch sử đã khiến Nepal lâm vào cảnh tang thương và khủng hoảng nhân đạo. Tổng thể có đến hơn 8 triệu người bị ảnh hưởng; 890.000 ngôi nhà bị phá hủy toàn bộ; 30.000 phòng học và 80% trường học bị sụp đổ sau các trận động đất. Trong vòng ba tháng, các nỗ lực tìm kiếm của các lực lượng cứu hộ đã bắt liên lạc được với 133.000 người tại các vùng bị tác động tồi tệ nhất. Nhu cầu nước, thức ăn, thực phẩm sạch, nơi ở, các hỗ trợ sinh kế và biện pháp bảo vệ trẻ trở thành các nhu cầu vô cùng cấp thiết đối với những người nằm trong vùng bị động đất quét qua.
Báo động thảm họa trong thời gian tới Trang Listverse mới đây đưa ra dự báo 10 thảm họa thiên tai sẽ xảy ra trong những năm tới. Theo đó, mỗi năm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều cơn bão, lốc xoáy, động đất và các thảm họa khác trên khắp thế giới. Mặc dù có nơi tác hại của thiên tai nặng nề hơn nhiều vùng còn lại nhưng nhìn chung con người trên khắp thế giới sẽ đối diện với thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều. Trong thế kỷ 21, các thảm họa nghiêm trọng sẽ rải rác trong ngắn hạn và dài hạn. Điển hình nhất là cháy rừng với thời gian kéo dài, diện tích rộng hơn ở cả Mỹ và phương Tây. Với 30.000- 50.000 vụ cháy rừng hằng năm, nước Mỹ có nguy cơ phải đối diện với tình trạng “địa ngục trần gian”. Bên cạnh đó, núi lửa phun trào ở Iceland, động đất ở Chile, động đất kép và núi lửa phun trào ở Nhật Bản, động đất kèm sóng thần ở Oregon (Mỹ), hay hiện tượng bão mặt trời,… sẽ là những tai ương ám ảnh con người thời gian tới. |