“Là người đứng đầu chính quyền TP, tôi xin chịu trách nhiệm về những yếu kém của TP trong năm 2016 và sẽ khắc phục trong năm 2017”.
Chiều 8-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đăng đàn trả lời chất vấn về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017.
Thu hồi dự án không triển khai
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt cho rằng trên TP vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai như dự án cải tạo rạch Ông Búp ở quận Bình Tân, giải quyết thoát nước cho 10 phường trong quận… “UBND TP sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào trong dự án này?” - ông Đạt hỏi.
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay TP có hơn 500 dự án “treo”. Quan điểm của UBND TP là không chấp nhận dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Chúng tôi đã kiểm tra, xử lý nhiều dự án cụ thể và từ đó cũng nhận thấy công chuyện làm ăn, xây cất… của người dân không được thuận lợi” - ông Phong nói và khẳng định UBND TP đã giao cho cơ quan chức năng xử lý đối với các dự án kéo dài.
“TP có thái độ hết sức kiên quyết, rõ ràng, nếu dự án không triển khai được thì thu hồi. Còn đối với dự án rạch Ông Búp, tôi đồng cảm với người dân Bình Tân và thấy rất nhức nhối với các dự án chậm tiến độ. Tôi cam kết sẽ xử lý quyết liệt” - ông Phong khẳng định.
Khu E, thuộc quy hoạch đô thị Nam Sài Gòn đã “ treo” suốt 22 năm khiến tuyến đường Hoàng Đạo Thúy (quận 8 và huyện Bình Chánh) lầy lội, đi lại khó khăn. Ảnh: HTD
Phải dẹp được xe “dù”, bến “cóc”
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi: “UBND TP đưa ra mốc giải quyết xe “dù”, bến “cóc” trước ngày 31-12. Nếu sau ngày 31-12, xe “dù”, bến “cóc” vẫn tồn tại thì UBND TP sẽ xử lý đơn vị có trách nhiệm được giao giải quyết tình trạng này ra sao?”.
“Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn về tình trạng xe “dù”, bến “cóc”. Mỗi lần nhận tin nhắn tôi đều điện thoại cho giám đốc Sở GTVT xử lý ngay. Hạn chót cuối năm nay phải xử lý cho xong” - ông Phong nói.
Còn nếu đến cuối năm không dẹp được nạn xe “dù”, bến “cóc” như thời hạn được giao, ông Nguyễn Thành Phong cho biết UBND TP sẽ nghiêm khắc xử lý những người có trách nhiệm. “Tùy vào từng trường hợp cụ thể, UBND TP sẽ có những hình thức xử lý phù hợp. Giờ tôi chỉ có thể nói một câu là sẽ xử thích đáng” - ông Phong nhấn mạnh.
Lập Ban An toàn vệ sinh thực phẩm
Liên quan đến an toàn thực phẩm, đại biểu Huỳnh Đăng Linh cho rằng công cụ, phương tiện đánh giá đo lường chất lượng thực phẩm còn rất thô sơ. Kiểm tra ở chợ đầu mối phải sau năm ngày mới có kết quả. “Thực phẩm tiêu thụ trong ngày mà sau năm ngày mới rõ kết quả thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Giải pháp của TP ra sao?” - ông Linh hỏi.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết mong mỏi của người dân và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo TP là làm sao có thực phẩm sạch, an toàn đến từng bữa ăn. UBND TP đã có đề án thành lập thí điểm Ban An toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đó, TP đã thành lập trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm. Khi Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành lập, trung tâm sẽ chuyển về ban này. “Với đội ngũ chuyên gia, chuyên viên rất có khả năng, có thể chúng ta sẽ thực hiện có kết quả” - ông Phong nói.
Tôi không thích chữ “đáng sống” Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Hải đặt vấn đề: “TP được xếp hạng là TP đáng sống hay chưa? Tiêu chí, mục tiêu, lộ trình thực hiện?”. “Tôi không thích chữ “đáng sống”. Bởi đất nước chúng ta nơi nào cũng đáng sống cả. Chữ đó nên thay bằng cụm từ “TP có chất lượng sống tốt”. Chúng ta thực hiện hiệu quả bảy chương trình đột phá là đồng nghĩa đang vươn tới TP có chất lượng sống tốt…” - ông Phong trả lời. Ông Phong khẳng định trong năm 2017, TP sẽ quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên 8,4%-8,7%. TP sẽ bố trí 2.000 tỉ đồng kích cầu đầu tư, cố gắng đạt 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. |