Những năm qua, CDC Mỹ đã hỗ trợ gì cho Việt Nam và khu vực?

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 25-8 đã khai trường văn phòng khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Dự lễ khai trương có đại diện ngành y tế của các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Papua New Guinea. Đây là văn phòng khu vực thứ tứ của CDC trên toàn cầu. 

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong lễ khai trương Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội hôm 25-8. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Hà Nội

Trước đó, CDC đã hiện diện tại 5/10 quốc gia ASEAN, đó là Campuchia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Lịch sử hợp tác hơn 50 năm giữa CDC và Indonesia

Hợp tác giữa CDC và Indonesia đã có lịch sử hơn 50 năm, trải rộng trên các lĩnh vực nâng cao năng lực xét nghiệm, giám sát, phát triển nguồn nhân lực y tế và ứng phó tình trạng khẩn cấp.

Các nhân viên kỹ thuật của CDC đang làm việc với giới chức Indonesia và các đối tác để hỗ trợ thuốc thử xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ củng cố giám sát dịch bệnh, hỗ trợ các cuộc nghiên cứu tại Bali và Jakarta phục vụ hoạch định chiến lược chống COVID-19 quốc gia, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giải trình tự gen virus SARS-CoV-2 và công tác tiêm chủng.

CDC đã hỗ trợ và đưa chuyên gia hợp tác ở 11 lĩnh vực giúp Indonesia xây dựng năng lực y tế công cộng cốt lõi về giám sát dịch bệnh, hệ thống phòng thí nghiệm, phát triển nguồn nhân lực, quản lý tình trạng khẩn cấp…

Ngoài ra, CDC còn hỗ trợ Indonesia xây dựng năng lực phòng chống các loại bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, bệnh sốt rét, cúm mùa, các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, các bệnh do kháng kháng sinh…

Thái Lan - nơi tổ chức chương trình FETP đầu tiên ngoài Bắc Mỹ

CDC đã hợp tác với Thái Lan từ năm 1980, khi đây là quốc gia đầu tiên không ở khu vực Bắc Mỹ được triển khai các khóa Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa trên tuyến đầu (FETP).

CDC và giới chức Thái Lan đang hợp tác ngăn chặn và kiểm soát HIV/AIDS, bệnh lao, cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác, chống lại các bệnh truyền nhiễm mới nổi thông qua chuẩn bị, giám sát và kiểm soát, cải thiện sức khỏe người tị nạn và người di cư và chia sẻ các nghiên cứu, bài học kinh nghiệm của Thái Lan cho các nước trên thế giới.

CDC đã hỗ trợ Thái Lan về mặt kỹ thuật trong xác định trình tự gen virus SARS-CoV-2, hỗ trợ xét nghiệm tại Bangkok và trong các trại tị nạn, hỗ trợ tích hợp giám sát COVID-19 và cúm mùa, xuất bản các báo cáo về quản lý lâm sàng bệnh nhân COVID-19, tham gia các các nỗ lực chuẩn bị tiêm chủng, hỗ trợ duy trì điều trị HIV trong thời gian đại dịch.

Liên quan dịch HIV/AIDS và bệnh lao, CDC đã hỗ trợ củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh, năng lực xét nghiệm, thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), cùng các hoạt động xác định, điều trị, chăm sóc, chống kỳ thị người nhiễm HIV.

Thái Lan cũng là nơi đặt văn phòng Đơn vị Điều phối khu vực châu Á của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR). Hiện nay, CDC tại Thái Lan đang hỗ trợ hoạt động của các văn phòng PEPFAR ở chính quốc gia khác ở Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á. Nhưng năm 2019, CDC tại Thái Lan đã nhanh chóng hỗ trợ nước láng giềng Lào trong đợt bùng phát cúm mùa.

CDC hỗ trợ tích cực Việt Nam chống nhiều loại dịch bệnh

CDC bắt đầu hợp tác với chính phủ Việt Nam từ năm 1998 để “xây dựng các hệ thống y tế công cộng bền vững và chất lượng cao, mang lại tác động lâu dài”. Hợp tác chủ yếu liên quan tới các bệnh HIV, lao, cúm mùa và hỗ trợ chuẩn bị, ứng phó dịch bệnh. 

Khởi động chiến dịch quốc gia liên quan người nhiễm HIV được CDC hỗ trợ vào năm 2019. Ảnh: TLSQ Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh

Trong cuộc chiến chống COVID-19, CDC đã hỗ trợ Việt Nam phát triển lực lượng y tế, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây nhiễm trong cộng đồng, tăng cường an toàn sinh học cho các phòng thí nghiệm COVID-19 cũng như công tác lấy mẫu, xét nghiệm, giảm tình trạng tử vong hoặc bệnh do kháng thuốc, củng cố chương trình tiêm chủng quốc gia. Việt Nam được CDC giúp đỡ khi thành lập mạng lưới năm trung tâm điều hình tình trạng khẩn cấp tham gia điều phối ứng phó đại dịch và trong công tác phân tích dữ liệu dịch bệnh.

CDC cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam chống lại HIV/AIDS để xây dựng các chương trình bền vững, có tác động lớn, thúc đẩy mục tiêu theo Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS. Đặc biệt, CDC mong muốn giúp Việt Nam giải quyết gánh nặng bệnh lao, lao trên người nhiễm HIV và lao đa kháng thuốc. CDC đã chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thành lập Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia về bệnh lao cho Việt Nam - cơ sở đồng thời cung cấp dịch vụ xét nghiệm tham chiếu cho ba nước khác.

CDC cũng hỗ trợ Việt Nam trong các đợt dịch cúm gia cầm, hợp tác trong nỗ lực chủng ngừa cúm cho hơn 136.000 nhân viên y tế bằng chỉ trong vòng nửa năm (tháng 9-2020 tới tháng 3-2021).

CDC có vai trò quan trọng trong chống COVID-19 ở Campuchia

Tại Campuchia, CDC đã thiết lập văn phòng từ năm 2002. Hiện nay, CDC tại Campuchia đang hợp tác với Bộ Y tế nước sở tại và các đối tác địa phương, quốc tế trong công tác chống dịch COVID-19, cúm mùa, sốt rét và HIV/AIDS.

Trong đại dịch COVID-19, CDC tại Campuchia đã hỗ trợ các nhân viên y tế nước sở tại “cải thiện năng lực quốc gia ứng phó tính trạng khẩn cấp y tế công cộng” và “đóng vai trò quan trọng trong cách Bộ Y tế Campuchia ứng phó với đại dịch COVID-19”.

Cụ thể, CDC tại Campuchia là đối tác hàng đầu của Nhóm công tác kỹ thuật Giám sát COVID-19 của nước này, ban hành hướng dẫn và đào tạo nhân viên y tế chống dịch, hỗ trợ Trung tâm Điều hình tình trạng khẩn cấp của Bộ Y tế Campuchia. CDC cũng hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

Trong cuộc chiến đẩy lùi HIV/AIDS, CDC đã hỗ trợ Campuchia xây dựng “chương trình ứng phó HIV bền vững”. Công việc của CDC tại Campuchia bao gồm chần đoán và điều trị, phát triển hệ thống giám sát, nâng cấp các phòng thí nghiệm xét nghiệm HIV, đảm bảo sàng lọc lao cho người đã nhiễm HIV.

Với sự hỗ trợ của CDC, nhiều phòng thí nghiệm tại Campuchia đã đạt được chuẩn ISO. CDC tại Campuchia cũng đang giúp sức cho mục tiêu xóa sổ bệnh sốt rét ở nước này vào năm 2025, cũng như xây dựng năng lực xét nghiệm và giám sát dịch cúm.

CDC cũng có nhiều hoạt động tại Myanmar, Papua New Guinea

Tại Myanmar, lĩnh vực hợp tác chính của CDC diễn ra trước khi COVID-19 bùng phát, chủ yếu tập trung vào công tác chống HIV/AIDS. CDC hỗ trợ chính quyền Naypyidaw sửa đổi Kế hoạch Chiến lược quốc gia về HIV giai đoạn 2021-2025.

CDC đã hỗ trợ xét nghiệm, quản lý thông tin người nhiễm HIV, cũng như tổ chức các nghiên cứu về HIV và bệnh viêm gan ở người tiêm chích ma túy, người có quan hệ tình dục đồng giới và người hành nghề mại dâm.

Còn tại Papua New Guinea, hỗ trợ nâng tỉ lệ bệnh nhân HIV được xét nghiệm tải lượng lên gấp 4 lần, hỗ trợ đào tạo giám sát, đánh giá, báo cáo và kiểm soát HIV và các dịch bệnh khác. Năm 2018, CDC đã dẫn đầu nỗ lực phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về bệnh nhân HIV của Papua New Guinea.

Tương tự tại Thái Lan, CDC cũng tổ chức các chương trình FETP ở Campuchia, Myanmar, Indonesia, Papua New Guinea và Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm