Sự hình thành của những thế hệ học sinh (HS) miền Nam trên đất Bắc xuất phát từ chủ trương tập kết bộ đội và cán bộ từ Nam ra Bắc, thực hiện Hiệp định Geneve 1954-1955. Trong hơn 200.000 người tập kết cách đây 68 năm có rất nhiều trẻ em dưới tuổi vị thành niên.
Các thiếu niên ấy là thế hệ đầu tiên của HS miền Nam trên đất Bắc. Sau này, từ năm 1954 đến 1975, bằng nhiều con đường khác nhau từ Nam ra Bắc, thậm chí bằng cả con đường nước ngoài, số lượng HS miền Nam nhiều thế hệ trên đất Bắc đã lên tới hơn 32.000 người. Một thế hệ HS miền Nam được sống và học tập trong hệ thống các trường HS miền Nam, trú đóng ở nhiều địa phương của miền Bắc.
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ câu chuyện của mình khi tập kết ra Bắc. |
Nghĩa tình Nam - Bắc
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có nhiều chia sẻ trong buổi gặp gỡ thân thiết với thế hệ HS miền Nam của thời kỳ ấy. Ông cũng là người trưởng thành từ cuộc tập kết của 68 năm trước.
68 năm đã qua, những cậu bé, cô bé ngày ấy từ Nam ra Bắc, bắt đầu cuộc sống mới, nay đã có người nắm giữ những trọng trách của đất nước. Đó là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân…
Trong bối cảnh miền Bắc hết sức khó khăn về kinh tế sau khi dồn sức kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bằng không quân, vừa ra sức chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tưởng là đất khách nhưng chính nhân dân miền Bắc đã đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, chia chén mắm mặn chát ở góc bếp cho HS miền Nam.
“Nhưng ở bất kỳ đâu và trong hoàn cảnh nào, các HS miền Nam cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ của Chính phủ, Bộ Giáo dục… mà còn của chính quyền và bà con các địa phương nơi trường trú đóng. HS miền Nam được cấp đầy đủ quần áo, chăn màn, áo ấm, ngày ba bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cơm không độn khoai sắn, luôn coi HS miền Nam như con em ruột thịt của mình” - nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhớ lại.
Ông Trương Hòa Bình xúc động kể lại những bữa cơm trắng có đầy đủ thịt cá, rau xanh mà người dân miền Bắc đã dành cho những HS miền Nam. Tưởng là đất khách nhưng chính nhân dân miền Bắc đã đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, chia chén mắm mặn chát ở góc bếp cho HS miền Nam.
Cùng góp câu chuyện về nghĩa tình Nam - Bắc, bà Nguyễn Thế Thanh nhắc về câu chuyện mà nhà thơ Nguyễn Duy từng kể khi ông còn bé, trong nhà chỉ con vài lon gạo để ăn cầm chừng, vậy mà cha mẹ ông dặn con cái không được ăn hết.
“Phải để dành cho con em miền Nam nữa, họ rời quê hương để ra đây học tập, vì nhiệm vụ chung thì chúng ta phải đùm bọc lẫn nhau” - bà Thế Thanh kể lại lời dặn dò từ bậc sinh thành của nhà thơ Nguyễn Duy.
Ngày 2-5, tại TP.HCM, gần 400 người là đại diện các thế hệ HS miền Nam trên đất Bắc năm xưa đã có cuộc gặp mặt thật ấm áp nhân kỷ niệm 47 năm ngày đất nước thống nhất.
Dịp này, đã có gần 70 tỉ đồng của các địa phương, tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng hạng mục tượng đài “Con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết” tại khu du lịch văn hóa - lịch sử ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bảo tàng tập kết - nơi lưu giữ những ngày không quên
68 năm trôi qua, các thế hệ HS miền Nam vẫn tổ chức họp mặt để gặp gỡ, hàn huyên, ôn lại kỷ niệm. Trong cuộc gặp gỡ ngày 2-5 vừa qua, ông Nguyễn Khánh Toàn, đại diện Ban liên lạc HS miền Nam, cho biết tỉnh Thanh Hóa quyết định dành một vị trí trong khu du lịch văn hóa - lịch sử tại TP Sầm Sơn để xây dựng tượng đài “Con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết”, ghi nhớ ý nghĩa lớn lao của sự kiện tập kết trong lịch sử.
Ông Trương Hòa Bình cho biết việc xây dựng công trình “Con tàu tập kết” và “Bảo tàng tập kết” đã được triển khai bằng một đề án. Ban liên lạc HS miền Nam Trung ương do ông Trương Hòa Bình là trưởng ban sẽ phụ trách thực hiện đề án này. Mục đích lớn nhất của “Bảo tàng tập kết” là lưu giữ và trưng bày những tư liệu có liên quan đến một sự kiện lịch sử hết sức quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
“Thông qua các tư liệu, hiện vật này sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc và tinh thần vượt khó để trưởng thành, phát triển của con người Việt Nam; trong đó có những người tập kết và HS miền Nam” - ông Bình nói.
Bảo tàng tập kết sẽ trưng bày một cách hệ thống những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được các cá nhân, tổ chức lưu giữ từ năm 1954 đến 1975 nhằm giúp người tham quan khi đến khu du lịch Sầm Sơn hiểu rõ và cảm nhận đầy đủ nhất có thể về sự kiện tập kết, về cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, về những giá trị nhân văn gắn liền với sự kiện tập kết - con người tập kết.
Theo dự kiến, “Bảo tàng tập kết” sẽ được hoàn thành trong năm 2023 đầu năm 2024. Đây cũng là dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và những chuyến tàu tập kết đầu tiên từ Nam ra cập bến Sầm Sơn, Thanh Hóa.•
Đạt được nhiều thành tựu trên đất Bắc
Những ngày trên đất Bắc, thế hệ HS miền Nam đã tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành. Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học, có trình độ cao, đạt giải thưởng cao cả trong và ngoài nước; nhiều người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; có người sớm trở thành cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành, bộ, ngành ở trung ương.
Trong thời kỳ đổi mới, nhiều người đã nỗ lực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế và phúc lợi của người dân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới như Lê Văn Kiểm, Huỳnh Văn Thòn, Dương Ngọc Triều…