Đảo xe vài vòng ở khu vực ngã sáu Cộng Hòa, quận 1, chúng tôi đến góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần BV Từ Dũ.
Tha phương cầu thực
Trên băng ghế của nhà chờ xe buýt, một người đàn ông với gương mặt khắc khổ đang nằm co ro dưới cái lạnh của đất trời. Ông tên là Nguyễn Thanh Long, quê Tây Ninh lên thành phố kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Ban ngày ông Long đi làm, đêm về thì lang thang ở các ngõ đường của thành phố. Không vợ con, ông Long chấp nhận cuộc sống phiêu bạt chỉ mong kiếm thêm vài đồng lo cho cha mẹ già ở quê.
“Mỗi ngày tích cóp một chút, dư ra được vài chục ngàn để dành gửi về quê cho ông bà già. Cha tôi năm nay cũng hơn 80 tuổi rồi, đâu còn làm gì nổi. Giờ cha mẹ sống chung với đứa em nhưng mình là con cái, không lo được nhiều cũng phải lo chút chút chứ đâu có thể bỏ phế cho em mình được. Cái đạo làm con phải vậy” - ông Long chia sẻ.
Khi đi ngang qua đoạn đường Lý Thái Tổ, quận 10, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Mai, 84 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế, làm nghề bán vé số. Hoàn cảnh khó khăn, chín tuổi bà Mai đã phải xa nhà đi ở đợ. 15 tuổi trở về nhà thì mẹ đã mất, cha lấy vợ khác. Không sống nổi với người mẹ kế, bà Mai lưu lạc vào Sài Gòn tới giờ. Dáng vẻ buồn rầu, bà Mai cho biết chồng bà hồi xưa đi lính. Lúc bà mang thai được ba tháng thì nghe tin chồng mất. Rồi bà ở vậy sinh con, nuôi con khôn lớn ngay trên cái lề đường này. Lúc mới sinh con được một tháng, bà đã đi giúp việc cho người ta. “Con người ta nằm trên võng, mình ngồi ru, sữa của mình cho con người ta bú. Con mình nằm dưới đất, khóc thét vì đói, lạnh mà mình bỏ đó phải ngồi ru con người ta!” - bà Mai nhớ lại. Vậy là bà Mai xin nghỉ, ôm con ra lề đường sống. Cũng từ đó bà Mai hằng ngày đi xách nước mướn, bám lấy lề đường, mái hiên nhà người để sống và nuôi con. Bà để con nằm trên ghế bố rồi đi làm. Trưa chạy về cho con bú, nhiều lúc trời mưa lại hộc tốc chạy về sợ con ngộp nước chết.
Bà Nguyễn Thị Mai sống lang thang ở đoạn đường Lý Thái Tổ, quận 10. Ảnh: MT
Cuộc đời bà khổ từ bé, những tưởng khi con trai lớn lên bà có thể an hưởng tuổi già. Vậy mà sự khốn khổ cứ đeo đẳng bà. Đứa con trai duy nhất lấy vợ, ở bên nhà vợ, để bà tiếp tục lang thang hết mái hiên này đến vỉa hè kia. Vậy mà người mẹ ấy không hề trách mắng, bà còn mang số tiền dành dụm cả cuộc đời mình để mua cho con một chiếc xe làm phương tiện kiếm sống. “Thấy nó không có việc làm, tôi mua cho nó cái xe Honda 67 gần hai cây vàng hồi 20 năm trước để cho nó chạy xe ôm mà nuôi vợ nuôi con. Số tôi khổ từ nhỏ tới lớn, không trách ai được” - bà Mai buông lời. Bi kịch của đời bà chưa dừng lại ở đó. Năm 2003, con trai của bà bị tai biến qua đời, sau đó đứa cháu nội lớn cũng chết vì nghiện ngập. Bà còn một đứa cháu nội nhưng mẹ nó không cho hai bà cháu nhìn nhau. Con trai bà mất, con dâu lấy chồng khác và không cho bà cháu gặp mặt. Đến nay hơn 10 năm rồi bà chưa được nhìn thấy mặt cháu. Tới bây giờ bà vẫn nhớ cái hôm nó theo mẹ bỏ bà. Nó là người thân cuối cùng của bà.
Sa cơ thất thế
Mỗi cuộc đời ở đây đều là những câu chuyện đầy thương tâm, bi đát. Ông Tuyên, trước năm 1975 từng là thầy giáo, có một căn nhà ba tầng khang trang ở đường Lê Văn Sỹ nhưng rồi do thất bại trong tình cảm, ông chán nản, sống mà như chết. Mẹ ông Tuyên lo lắng khi thấy con sa sút tinh thần rồi sinh bệnh. “Lúc đó tôi mới tỉnh ra là mình còn mẹ già. Vậy là tôi cầm cố nhà cửa để chạy thuốc thang cho mẹ”. Nhưng do tuổi già, bệnh tật, hai năm sau mẹ ông Tuyên mất, nhà cửa cũng bị người ta xiết mất, từ đó ông sống lang thang tới giờ. “Phải chi hồi đó tôi biết nghĩ thì mẹ tôi đâu có vì tôi mà chết, tôi cũng không phải bần hàn như bây giờ” - ông Tuyên ngậm ngùi.
Rẽ vào một mái hiên trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, nơi tá túc thường ngày của ông Trần Hoàng Sơn, vừa đỗ xe, mùi rượu nồng nặc xộc lên. Trên nền gạch lề đường, cạnh chỗ ông Sơn là một chai rượu trắng đã vơi hơn phân nửa. “Uống cho quên đời, chú ơi. Ngày nào không có rượu là không ngủ nổi. Chán đời lắm!”. Vừa uống rượu, ông Sơn vừa moi trong túi áo ra một gói tiền được bọc trong bao nylon cẩn thận, ngồi đếm, có vài tờ 5.000 đồng, vài tờ 2.000 đồng được vuốt thẳng thớm.
Ông Sơn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện bi hài của đời mình. 10 tuổi, ba mẹ ông mất, ông còn một người em nhỏ hơn hai tuổi. Người cô ruột chỉ thương người em, ghét bỏ ông. “Tôi cũng không biết vì sao tôi lại bị ghét. Tôi đâu có lười biếng gì. 10 tuổi việc gì trong nhà tôi cũng biết làm nhưng cứ bị đánh, bị chửi. Chịu không nổi nên tôi bỏ nhà đi”. Những ngày đầu sống lang thang, không biết làm gì để sống, ông Sơn phải chầu chực trước những quán hủ tiếu, phở, chờ có người ăn xong, húp đỡ phần nước thừa để sống.
Trong số những người chúng tôi đã gặp, họ đã thôi nghĩ về tương lai của mình, cái tương lai mà bè bạn chỉ là mái hiên, ghế đá. Có chăng chỉ là những cái nhìn xa xăm, những nụ cười chua chát.
MAI THANH
Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Người không còn gia đình, nhà cửa thì nên vào trung tâm bảo trợ Thành phố có chính sách chăm lo cho người lang thang, cơ nhỡ, không bỏ sót người yếu thế nào. Với những người không còn gia đình, nhà cửa thì nên vào các trung tâm bảo trợ xã hội (người già, trẻ em, người tàn tật…) của thành phố để được Nhà nước chăm lo. Thanh niên trong độ tuổi lao động mà lang thang cơ nhỡ cũng có trung tâm bảo trợ để lo cho họ học nghề, học văn hóa. Tùy đối tượng, độ tuổi mà mỗi trung tâm có cách tổ chức sinh hoạt, vui chơi, học tập… khác nhau. Chính sách tập trung người lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội mang tính nhân văn, vừa chăm lo cho họ có cuộc sống đảm bảo vừa tốt cho mỹ quan của thành phố. Những người lang thang cơ nhỡ muốn vào các trung tâm bảo trợ xã hội sinh sống thì đến các phòng LĐ-TB&XH tại các quận, huyện để đăng ký. T.MẬN |