Trong nhà chị là lao động chính bởi chồng chị vốn đau ốm quanh năm, vết thương của những ngày chiến chinh khói lửa đã lấy đi phần lớn sức vóc đàn ông của anh. Cái tay chị mất đồng nghĩa với bát cơm của gia đình hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cũng vơi đi ít nhiều. Nhưng quan trọng hơn là chị còn có một đứa con đang học ĐH Nông nghiệp ở Hà Nội. Chị nói nuôi một đứa đi học ở thành phố phải bằng chăm vài ba người ốm.
Sau tai nạn, chỉ chị ở nhà quẩn quanh với mấy luống rau vườn nhà. Số tiền tích góp nhàu nhĩ nhanh chóng cạn dần. Một ngày, chị nghe chị hàng xóm gợi ý có một người bà con cũng bị tật ra Hà Nội đi xin cũng kiếm được đồng này đồng nọ. Nghe có lý, chị lên đường gia nhập đội quân ly hương mưu sinh nơi phố thị. Lần gặp chị, tôi hỏi chị tên gì. Chị xưng danh kiểu điển hình của những phụ nữ nông thôn quen bùn, quen lúa nhưng đầy chua chát: “Em đi ăn mày thì tên gì chẳng được ạ, bác cho nhà em tên gì thì nhà em là tên đó”. Gặp ai chị cũng ngửa tay ra xin, nguyên tắc “làm việc” phải thế nhưng chị có một nguyên tắc khác không bao giờ xin tiền của những người trẻ có vẻ như là sinh viên. “Con nhà em cũng đi học em biết chứ, có mấy tiền đâu mà xin, có người cho tôi cũng không nhận” - chị nói.
Tính đến ngày tôi gặp chị, chị đã làm công việc này gần một năm. Một năm ấy chị không báo cho con mình biết nơi ở, bởi đơn giản chị nghĩ đời làm mẹ cực khổ, nhục nhã thế nào cũng chịu được nhưng không thể để lây cái nhục của mẹ qua con.
Bà tên là Vân, bà cùng huyện nhỏ ở Nghệ An với tôi. Tôi gặp bà vào năm 2009, lần ấy tôi phong cho bà danh hiệu: Người mẹ xin ăn thế kỷ. Bà là một người đi xin đặc biệt, xin để cho con được học. Con trai bà đậu đại học, bà nói thẳng với con: Đại học mấy năm mẹ không nuôi được nhưng học nghề vài năm thì mẹ cố cũng xong, thôi con chọn lấy cái nghề nào đó rồi đi học. Đứa con quá hiểu cảnh nhà quay sang hỏi mẹ: Mẹ xoay kiểu gì, lấy tiền đâu ra? Bà bảo: Mẹ có gói vàng giấu từ lâu nên sẽ bán đi cho con. Con bà yên tâm lên đường nhập học, còn bà bắt đầu hành trình khất thực của mình. Hành trang của người mẹ ấy không phải là bộ quần áo rách rưới, tay bị tay gậy như những người ăn xin khác mà là tờ giấy báo nhập học của con, lá đơn trình bày hoàn cảnh gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương và hơn tất cả là tấm lòng người mẹ. Với từng ấy hành trang, chân bà đã hằn lên trên nhiều con đường dọc từ Nghệ An ra tới Hà Nội. Lần ấy tôi hỏi bà đi thế có sợ gì không. Bà nói: Sợ con nó biết nó lại tủi, chứ thân già này có gì đâu mà phải sợ.
Trên dải đất hình chữ S của chúng ta chắc còn nhiều lắm những người mẹ đã bỏ bê lòng tự trọng của bản thân như thế, hy sinh như thế chỉ để cho con mình. Chiều nay, tôi nghe tin một người bạn vừa tự tử vì một uẩn ức cá nhân. Chẳng hiểu sao tôi không nghĩ đến ngay thằng bạn với lựa chọn tiêu cực ấy, tôi nghĩ ngay đến những người mẹ, những đấng sinh thành. Nỗi đau nhất của họ không phải là buông bỏ lòng tự trọng vì con, nỗi đau nhất của họ chắc là bởi đứa con của mình đã tự buông bỏ ước mơ, khước từ sinh mạng mà họ đã vất vả lắm mới tạo ra và nuôi lớn.