Những nguy cơ đã được dự báo trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

(PLO)- Từ khi đưa vào hoạt động, cao tốc Cam Lộ - La Sơn thường xuyên xảy ra tai nạn, nguy cơ này cũng từng được các tài xế phản ánh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-2, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế khiến ba người trong một gia đình tử vong. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng xác định do tài xế ô tô con chở những người gặp nạn nói trên vượt sai quy định. Tuy nhiên, nhiều người dân, đặc biệt trên các diễn đàn cũng đã nêu ra những bất cập về hạ tầng ở tuyến đường này.

Thách thức tài xế lần đầu vào tuyến

Anh Nguyễn Khang (ngụ xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), tài xế xe dịch vụ tuyến Quảng Trị - Đà Nẵng, cho biết hiện tuyến Cam Lộ - La Sơn chỉ có hai làn xe, trong đó một số đoạn có bốn làn xe và có dải phân cách cứng để các xe vượt nhau. Là người thường xuyên đi lại trên tuyến cao tốc này, anh Khang cho biết nhiều lần anh cũng đã giật mình trước những tình huống nguy hiểm, nhiều nhất là tình huống các xe ở chiều ngược lại vượt nhau.

Cam Lộ - La Sơn
Hiện trường vụ tai nạn khiến ba người trong một gia đình tử vong. Ảnh: VT

Theo anh Khang, những tài xế mới lên tuyến này lần đầu sẽ rất bất ngờ vì một số đoạn chỉ có hai làn xe nên khi xảy ra các tình huống, sự cố bất ngờ thì rất khó để xử lý. Ví dụ, ở đoạn đường gộp từ hai làn thành một làn, đến đoạn này tài xế lơ là, không chú ý biển báo giảm tốc độ để tham gia làn gộp sẽ rất khó xử lý vì đoạn này sẽ trở thành một đoạn ngoặt rất nguy hiểm.

“Biết rằng tài xế vượt trong trường hợp trên là vi phạm nhưng tạm gác lại câu chuyện của tài xế trên thì tôi nghĩ hạ tầng giao thông ở đoạn này cần được nâng cấp lên bốn làn xe, gia cố thêm các biển chỉ dẫn, đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm… khi đó sẽ giảm thiểu tai nạn” - anh Khang nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Ban quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh cho biết dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc giai đoạn 2017-2020, thời điểm này vốn đầu tư phân kỳ nên chỉ đầu tư được hai làn xe, nếu làm bốn làn xe thì tổng vốn đầu tư sẽ gần gấp đôi.

Theo vị này, vì phân kỳ đầu tư hai làn xe nên trên tuyến có mở rộng bốn làn xe với tổng chiều dài hơn 20 km và nhiều vị trí kẻ tim đường nét đứt để các xe vượt nhau. Ngoài ra, tại các vị trí đường gộp từ hai làn thành một làn thì BQL làm theo đúng quy định với chiều dài đoạn vuốt lên đến 200 m và đặt đầy đủ biển cảnh báo, sơn chỉ dẫn.

“Đến cuối năm 2023, Bộ GTVT đã giao cho BQL dự án đường Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất mở rộng bốn làn xe hoàn chỉnh. Hiện BQL đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ, dự kiến khoảng một tháng nữa sẽ hoàn thiện và trình Bộ GTVT” - đại diện BQL dự án đường Hồ Chí Minh nói.

Vì sao không thể đầu tư cao tốc theo “chuẩn cao tốc”?

Liên quan đến vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đại diện Bộ GTVT cho biết đã giao cho các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu vị trí xảy ra tai nạn và các điểm đường có thiết kế như tuyến Cam Lộ - La Sơn để nghiên cứu phương án tổ chức giao thông, nếu có vấn đề sẽ tiến hành khắc phục.

Về vụ tai nạn, Bộ GTVT cho rằng “cần phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra để xem nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn là gì”. Hiện cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được thi công xây dựng tuân thủ theo đúng thiết kế, có đủ biển báo giao thông, vạch kẻ đường. “Vì vậy, bất kỳ tài xế nào khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chú ý quan sát, giữ khoảng cách, đảm bảo tốc độ, vượt xe trên những đoạn đường được phép vượt và quan sát kỹ đủ khoảng cách an toàn, xe phía trước nhường đường thì xe sau mới vượt được” - đại diện Bộ GTVT cho hay.

Về vụ tai nạn, Bộ GTVT cho rằng “cần phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra để xem nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn là gì”.

Còn đại diện Cục Đường bộ cho biết hiện đơn vị vẫn đang tiến hành rà soát vị trí gây ra tai nạn và sẽ có báo cáo Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất.

Tháng 12-2023, Bộ GTVT cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư. Bộ GTVT cho biết đến nay đã đưa vào khai thác 12 tuyến với tổng chiều dài 743 km, chiếm 40% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác. Trong số này có năm tuyến cao tốc hai làn xe với chiều dài

371 km gồm Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Có bảy tuyến cao tốc bốn làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu đầu tư đường bộ cao tốc rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn, việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30%-50% tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang hai làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường bốn làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố; tốc độ khai thác giai đoạn phân kỳ đầu tư chưa cao, khoảng 80-90 km/giờ; phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn có thể gây tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dài hơn so với đầu tư hoàn chỉnh một lần.•

Như chúng tôi đã thông tin, khoảng 10 giờ ngày 18-2, ông Phan Đình Kiều (ngụ Kon Tum) điều khiển ô tô bảy chỗ lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hướng Đà Nẵng - Quảng Trị. Khi đến Km48+200 thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền thì xe này vượt phải xe đầu kéo cùng chiều. Vụ tai nạn khiến ba người trong một gia đình tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm