Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xác nhận ông vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh xử lý đất đai thuộc dự án công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao).
Hơn hai năm chưa thu hồi xong
Trong chỉ đạo mới nhất, chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, TT&TT cùng UBND TP Nha Trang thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi đất dự án Nha Trang Sao. Đồng thời, làm việc với chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Nha Trang Sao để xem xét, giải quyết hậu quả pháp lý khi tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất dự án theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng trên phải báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 30-6.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, dự án Nha Trang Sao đã bị sở này ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 1-2018. Lý do là chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, không thực hiện yêu cầu gia hạn tiến độ của tỉnh. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, kể cả đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm, không có khả năng khắc phục. Tháng 1-2019, tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định thu hồi hơn 103.500 m2 đất mà Công ty CP Nha Trang Sao thuê để thực hiện dự án Nha Trang Sao. Diện tích này được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.
Sau đó, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Nha Trang tiến hành xác định mốc giới khu đất ngoài thực địa để bàn giao diện tích đất, diện tích mặt nước cho cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên, việc thu hồi bất thành do Công ty CP Nha Trang Sao vắng mặt. Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thừa nhận từ đó cho đến nay, trên thực tế việc thu hồi đất dự án vẫn chưa thực hiện được.
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy toàn bộ khu đất dự án Nha Trang Sao nằm sát biển bên đường Phạm Văn Đồng - từng được đánh giá là một trong những khu đất ven biển đẹp nhất Nha Trang - hiện là bãi đất bỏ hoang, thành nơi đổ rác thải, xà bần. Phần đất đá lấp, lấn biển trái phép ngổn ngang ngay mặt nước biển. Theo một lãnh đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang, phần diện tích lấp lấn biển đã tàn phá hệ sinh thái biển; hầu hết san hô, cỏ biển, sinh vật biển ven bờ đều bị chết, rất khó phục hồi.
Khu vực dự án thành khu đất bỏ hoang hơn hai năm nay. Ảnh: TẤN LỘC
Nhùng nhằng việc “khai tử” dự án
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, sau khi bị thu hồi dự án, Công ty CP Nha Trang Sao khiếu nại cho rằng quyết định chấm dứt hoạt động dự án là chưa phù hợp. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT khẳng định khiếu nại của công ty là không có căn cứ và giữ nguyên quyết định chấm dứt hoạt động dự án trên.
Cũng theo Sở KH&ĐT, từ ngày 19-1-2018, khi bị thu hồi giấy chứng nhận, Công ty CP Nha Trang Sao có quyền gia hạn 24 tháng để thanh lý tài sản trên đất. Hết thời hạn này, nếu chủ đầu tư không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp của mình thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định. “Đến nay đã hơn hai năm kể từ ngày dự án này bị chấm dứt hoạt động. Theo quy định, Nhà nước có quyền thu hồi đất” - lãnh đạo Sở KH&ĐT nói.
Trong khi đó, theo Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, dự án Nha Trang Sao có nhiều vướng mắc trong xử lý quyền sử dụng đất, tài sản trên đất. Sở TN&MT đã có văn bản hỏi ý kiến Bộ TN&MT về xử lý đối với dự án này. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng không hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất với trường hợp chấm dứt hoạt động dự án.
Trong văn bản tham mưu cho tỉnh xử lý dự án Nha Trang Sao, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, đề xuất ba phương án. Phương án một là nhà đầu tư khác (sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản hợp pháp trên đất) sẽ tiếp tục đầu tư trên diện tích dự án đã thỏa thuận, quy hoạch trước đây đã được phê duyệt; đăng ký việc biến động quyền sử dụng đất. Phương án hai là nhà đầu tư mới phải lập dự án mới, giao đất, thuê đất theo dự án mới. Phương án ba là Nhà nước thỏa thuận về tài sản đã xây dựng trên đất nếu nhà đầu tư không thực hiện việc chuyển nhượng, bán tài sản trên đất.
Sở KH&ĐT cho biết thêm cuối năm 2019, Công ty CP Nha Trang Sao có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư mới đối với dự án Nha Trang Sao. Cùng thời điểm, Công ty CP Du lịch Khánh Hòa có văn bản kiến nghị mua lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của dự án trên. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có chủ trương giao cho nhà đầu tư nào sau khi thu hồi đất, xử lý dự án Nha Trang Sao.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến sẽ làm công viên, phục vụ cộng đồng đối với 2,3 ha diện tích lấn biển. Diện tích còn lại của dự án sẽ thực hiện theo quy hoạch. “Dự án này có nhiều vấn đề, tồn tại trong thời gian dài. UBND tỉnh đang chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại để thu hút đầu tư mới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tránh lãng phí tài nguyên. Nhà đầu tư nào kế tục dự án này cũng phải đầu tư theo quy định pháp luật” - ông Nguyễn Tấn Tuân nói.
Lấp lấn biển trái phép gần 2,3 ha Từ tháng 12-2015, Pháp Luật TP.HCM đã phát hiện, phản ánh việc Công ty CP Nha Trang Sao ồ ạt lấp, lấn vịnh Nha Trang trái phép khi thi công dự án Nha Trang Sao tại khu vực danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ. Sau đó, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra, xác định trong quá trình thi công dự án trên, Công ty CP Nha Trang Sao đã đổ đất lấp biển, lấn chiếm trái phép danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang gần 23.000 m2. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng kết luận công ty này có nhiều hành vi vi phạm khác về môi trường, sử dụng trái phép di tích lịch sử… Tháng 1-2016, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Nha Trang Sao tổng cộng 200 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khôi phục nguyên trạng. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện khắc phục. |