Ngày 20-12, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa xác nhận chủ tịch UBND tỉnh này vừa có công văn chỉ đạo các sở, cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu kiểm tra, rà soát các quy định hiện hành, các vướng mắc trong thực tế để tham mưu cho tỉnh bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, xây dựng quy định mới để thống nhất thực hiện.
Tại phần hai của công văn, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo “về việc ngăn ngừa chuyển nhượng dự án không đúng quy định”. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở KH&ĐT kiểm tra, xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp (DN) để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.
Dự án Nha Trang Sao có dấu hiệu chuyển nhượng không đúng quy định. Ảnh: TẤN LỘC
Văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ là công văn chỉ đạo điều hành nội bộ. Công văn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chưa có căn cứ để nói công văn này là văn bản quy phạm trái pháp luật về hình thức cũng như nội dung. Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa |
Công văn nêu rõ: Trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn DN liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, yêu cầu Sở KH&ĐT phải kiểm tra, lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.
Những ngày qua tại Khánh Hòa đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến tranh luận về nội dung văn bản trên. Nhiều DN là chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho rằng công văn trên là bất thường, khó hiểu, hạn chế quyền, gây khó đối với DN, tác động xấu đến môi trường đầu tư ở tỉnh này.
Thậm chí không ít ý kiến cho rằng văn bản của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trái với Luật DN. Có ý kiến cho rằng nếu phát hiện dự án sai phạm, trong một số trường hợp tỉnh không thể cấm chủ đầu tư dự án thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông, tăng vốn hoặc giảm vốn vì đây là quyền hợp pháp của DN được quy định tại Luật DN năm 2014.
Theo một số DN, Luật DN khuyến khích DN tăng vốn, cho phép thay đổi người đại diện, sang nhượng cổ phần... Việc thay đổi cổ đông, các quyết định chuyển nhượng nhiều khi không thuộc thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa nếu DN đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác.
Chỉ là công văn chỉ đạo nội bộ Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho rằng công văn trên là chỉ đạo điều hành bình thường của UBND tỉnh. Mục đích của chỉ đạo này là tăng cường công tác quản lý đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn. “Việc kiểm tra, lấy ý kiến các ngành liên quan chỉ áp dụng đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch-đầu tư. Tại công văn này, UBND tỉnh không đưa ra bất cứ quy định nào để cho rằng hạn chế quyền của DN hay cấm DN thực hiện quyền của mình theo quy định” - vị lãnh đạo Sở khẳng định. |