Theo The New York Times, quan chức Pháp đã phạm phải một số sai lầm trong việc bảo vệ Nhà thờ Đức Bà, khiến cho ngọn lửa lan nhanh và khó kiểm soát, gây ra nhiều tổn thất không thể phục hồi. Một trong số sai lầm đó có liên quan đến hệ thống báo cháy và kế hoạch khống chế hỏa hoạn kịp thời.
Ông Benjamin Mouton, kiến trúc sư giám sát hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Nhà thờ Đức Bà Paris, thừa nhận rằng ngọn lửa ngày 15-4 đã vượt quá những ước tính cho kế hoạch bảo vệ nhà thờ của họ.
Cụ thể, hệ thống PCCC của nhà thờ dựa trên giả định nếu nhà thờ bị bắt lửa, những gỗ sồi lâu năm trên gác mái sẽ cháy đủ chậm để lực lượng chức năng có thời gian dập tắt ngọn lửa.
Ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà đang bốc cháy vào ngày 15-4. Ảnh: REUTERS.
Bên cạnh đó, ở Nhà thờ Đức Bà, thiết bị báo cháy sẽ không gửi thông báo ngay đến lực lượng cứu hỏa. Trước tiên, một bảo vệ nhà thờ phải xác nhận chuông báo động là đúng hay sai bằng cách kiểm tra mái nhà thờ sau khi leo lên một cầu thang dốc. Ông Mouton cho biết việc kiểm tra sẽ tốn ít nhất sáu phút.
Vì thế, sẽ mất khoảng 20 phút từ lúc chuông báo cháy vang lên cho đến khi lính cứu hỏa tới và trèo lên gác mái mang theo những thiết bị chữa cháy nặng nề. Việc lãng phí khoảng thời gian quý giá này chỉ khiến cho vụ hỏa hoạn càng trở nên nghiêm trọng.
Một số chuyên gia đã phản biện giả định của ông Mouton, cho rằng vị kiến trúc sư và nhóm của ông đã đánh giá thấp rủi ro khi hỏa hoạn xảy ra. Hơn nữa, hệ thống chữa cháy của họ quá chậm để dập tắt ngọn lửa kịp thời.
Ông François Chatillon, một kiến trúc sư cấp cao cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ hỏa hoạn giữa các cây gỗ sồi bên dưới mái nhà thờ là vấn đề quá rõ ràng. “Khi bị bắt lửa, nhà thờ sẽ bốc cháy rất nhanh và không thể nào dập tắt”.
Ông Mouton và nhóm của ông không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ một tòa kiến trúc vô giá như Nhà thờ Đức Bà. Các kế hoạch của họ ít nhất phải được Bộ Văn hóa thông qua.
Cựu lính cứu hỏa Régis Prunet cũng thuộc nhóm làm việc với ông Mouton. Theo ông Prunet, nhà thờ không có kế hoạch phòng cháy phù hợp và thậm chí không có bất cứ kế hoạch liên quan đến việc sơ tán con người trong tòa kiến trúc nếu hỏa hoạn xảy ra.
Tai nạn đã không xảy ra trước đây là một điều kỳ diệu đối với ông Prunet, nhưng trớ trêu thay, nó lại xảy ra đúng thời điểm kế hoạch đang được hoàn thiện.
Tuy nhiên, dự án PCCC bị kéo dài từ hai năm thành bốn năm vì lý lo ngân sách. Nhưng nếu có hoàn thành đúng như kế hoạch, nhà thiết kế cũng không thiết lập các biện pháp bảo vệ như vòi phun nước hoặc tường lửa ở mái nhà thờ. Theo ông Prunet, quy mô và độ phức tạp của cấu trúc mái nhà thờ là một vấn đề mà lắp đặt tường lửa có thể làm hỏng cấu trúc đó.
Bên cạnh giả định về ngọn lửa được các chuyên gia đánh giá là sai lầm, hệ thống cảnh báo có vẻ cũng đã bị lỗi. Báo động đầu tiên vang lên vào lúc 18:20 nhưng bảo vệ xác minh là không có ngọn lửa nào vào thời điểm đó.
Ông Glenn Corbett, PGS tại ĐH Tư pháp hình sự John Jay (Mỹ) khẳng định đó là sai lầm lớn nhất khi nhà thờ đã không xem xét kỹ càng báo động đầu tiên. Theo ông, có thể ngọn lửa cháy âm ỉ ở đâu đó trên mái đang bắt đầu lan rộng, nhưng chưa đủ dữ đội để con người nhận ra.
Khi người bảo vệ leo lên mái để kiểm tra lần thứ hai sau khi chuông báo cháy lúc 18:43, ngọn lửa đã lan nhanh khó kiểm soát. Lúc này, nhân viên nhà thờ bắt đầu gọi lực lượng cứu vào lúc 18:51, đúng 31 phút sau khi chuông báo cháy đầu tiên vang lên.
Theo ông Gabriel Plus, phát ngôn viên của Đội cứu hỏa Paris, nên có sự hiện diện thường trực của lính cứu hỏa ở tòa kiến trúc. Điều đó sẽ giúp lực lượng chứng năng kịp thời kiểm soát bất cứ tai nạn nào. Pháp cũng đã triển khai việc này ở một số địa điểm quan trọng khác như tòa nhà Quốc hội, thư viện quốc gia, tòa án Paris.