Với điều chỉnh này của Luật BHXH 2014 thì chỉ còn ba ngày nữa, lương hưu của rất nhiều lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 sẽ bị giảm 2%-10%. Tức có nhiều người có ngày sinh trong tháng 12 chỉ sau một đêm bị mất đến 10% lương hưu!
Điều đáng nói là sự bất hợp lý này đã được nhiều cơ quan chức năng chỉ ra từ lâu. UBND TP.HCM từng kiến nghị không nên tăng ngay thời gian đóng BHXH đối với lao động nữ. Tại kỳ họp của Quốc hội (QH) khóa XIV đang diễn ra, có không ít đại biểu đã đề xuất dời thời gian thay đổi cách tính lương hưu nói trên. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đã gửi văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ QH sửa đổi. Bộ LĐ-TB&XH cũng có tờ trình Chính phủ xem xét trình QH tạm thời chưa thực hiện điều luật. Thế mà đến giờ nhiều người phải “nín thở” chờ đợi kết quả.
Vậy là lần thứ hai Luật BHXH chưa có hiệu lực thì đã bị phản ứng. Nếu lần trước xảy ra cách đây hơn hai năm với mức độ khá gay gắt liên quan đến Điều 60 về việc hưởng BHXH một lần thì lần này liên quan đến hai điều luật về mức lương hưu hằng tháng, đặc biệt là đối với lao động nữ.
Trong lần trước, QH đã ra nghị quyết cho phép người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 20 năm đóng BHXH) khi nghỉ việc được chọn một phương thức có ở luật cũ mà không có ở luật mới. Cụ thể là cho những người này được nhận BHXH một lần nếu không muốn đóng tiếp BHXH. Lần này, do sát nút nên QH sẽ ra nghị quyết tạm dừng rồi chấp thuận cho điều chỉnh theo lộ trình để tránh gây sốc hay đợi tháng 5-2018 tổ chức họp lấy ý kiến đại biểu sửa luật?
Từ vụ đột ngột điều chỉnh lương hưu nêu trên, đại biểu QH Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho rằng cần có đánh giá thật kỹ tác động của chính sách đối với tâm tư, tình cảm của đối tượng bị tác động trực tiếp thì mới bảo đảm quy định của pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống. Ý kiến của bà hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó; so sánh, chi phí, lợi ích của các giải pháp. Cùng với đó, đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản...
Khi tiếp tục để xảy ra những bất bình từ các điều luật “chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, làm ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của đất nước…” (theo văn bản của Tổng LĐLĐ VN gửi QH), không thể không hỏi việc dự liệu các giải pháp và lấy ý kiến các lao động nữ là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp đã được thực hiện như thế nào? Và tiếp nữa, QH đã có đủ cân nhắc khi bấm nút thông qua các điều luật đó? Bởi lẽ như nhận xét của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi, nếu kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ (lại là cách tính cũ!) nhằm giúp lao động nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới thì quỹ BHXH không bị suy suyển nhiều.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính, vẫn còn cách tháo gỡ khác là Chính phủ sẽ bù đắp phần lương hưu bị giảm cho khoảng 3.000 lao động nữ có mức giảm 6%-10%. Tuy phương án nào cũng đều thể hiện sự thiếu tính toán, thiếu chuyên nghiệp trong cách làm và thực thi chính sách từng lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng chắc chắn đã thấy không hay thì phải gấp rút xử lý chứ không nên khác hơn.