Trong chuyến thăm Ai Cập ngày 15-6 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) với Ai Cập và Israel nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong bối cảnh Brussels đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, hãng AFP đưa tin.
EU, Ai Cập và Israel ký kết Biên bản ghi nhớ về xuất khẩu dầu khí tại Cairo. Ảnh: AFP |
Bộ Dầu khí Ai Cập cho biết MOU về xuất khẩu khí đốt giữa Ai Cập, Israel và EU đã được ký kết tại Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Israel cho biết thỏa thuận khung được ký với EU sẽ là thỏa thuận đầu tiên cho phép xuất khẩu “đáng kể” khí đốt của Israel sang châu Âu, theo hãng tin Reuters.
“Hôm nay (15-6), Ai Cập và Israel cam kết chia sẻ khí đốt tự nhiên với châu Âu và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng” - Bộ trưởng Năng lượng Israel, bà Karine Elharrar, cho biết sau buổi ký kết MOU tại Cairo.
Trong buổi họp báo chung với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, bà Ursula von der Leyen cho biết MOU “không chỉ là một bước tiến lớn trong việc cung cấp năng lượng cho châu Âu mà còn đưa Ai Cập trở thành trung tâm năng lượng của khu vực”.
Đồng thời, bà còn thông báo một gói viện trợ lương thực trị giá 100 triệu euro (khoảng 104 triệu USD) cho Ai Cập và cam kết tài trợ 3 tỉ euro cho các chương trình nông nghiệp, dinh dưỡng, nước và vệ sinh trong những năm tới tại khu vực.
Theo một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 15 tỉ USD được ký vào năm 2020, Israel đã xuất khẩu khí đốt từ một mỏ ngoài khơi sang Ai Cập để được hóa lỏng và sau đó vận chuyển đến các nước châu Âu. Tuy nhiên sự gia tăng xuất khẩu khí đốt đáng kể từ Israel qua Ai Cập đòi hỏi các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn.
Trước đó, trong chuyến công du tới Israel hôm 14-6, bà von der Leyen nói rằng EU đang tìm tới Israel để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Bà cho biết EU là “khách hàng lớn nhất, quan trọng nhất” của Nga trong việc cung cấp năng lượng nhưng cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã thúc đẩy Brussels xoay trục khỏi Nga và tăng cường nhập khẩu khí đốt từ đông Địa Trung Hải.