Hiện nay, trên các trang mạng quảng cáo rầm rộ nồi cơm tách đường với giá tầm khoảng 3-4 triệu đồng. Theo đó, nhiều người bán quảng cáo nồi cơm này với hàng loạt công dụng như “loại bỏ tinh bột xấu trong gạo; loại bỏ đường trong quá trình nấu cơm; giúp hạ đường huyết với người bị tiểu đường (giảm dần và loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào các loại thuốc hạ đường huyết); phòng ngừa các bệnh về tiểu đường, béo phì, tim mạch, tai biến do các tinh bột xấu trong gạo gây ra; loại bỏ thành phần Amylopectin của tinh bột; giảm chỉ số GI và lượng calo trong tinh bột…”.
Người bị tiểu đường không thể tự ý ăn lượng cơm nhiều hơn cho dù nấu bằng nồi cơm tách đường. Ảnh minh họa
Ăn cơm thoải mái khi nấu bằng nồi tách đường
Với những lời quảng cáo này làm nhiều người mua về sử dụng. Khi sử dụng nồi cơm này, nhiều người tiểu đường còn thoải mái ăn với lượng cơm nhiều hơn thông thường.
Nhiều người bệnh tiểu đường hoặc có người thân bị tiểu đường vui mừng vì nghĩ rằng có sản phẩm tốt cho họ và người thân họ.
Chị Lê Thị Hồng Đào (quận Tân Phú) chia sẻ: “Ba tôi ở nhà bị tiểu đường đã lâu, bác sĩ khuyến cáo nên giảm lượng tinh bột. Có nhiều hôm ăn ít cơm quá, đến nửa đêm lại đói mà cũng không dám ăn thêm. Tôi thấy thông tin nồi cơm tách đường được quảng cáo trên mạng tốt cho người tiểu đường như ba tôi, giá thành lại không quá đắt. Nhà tôi đã mua về để sử dụng chung trong gia đình, thứ nhất là cho ba tôi có thể thoải mái ăn cơm mà không phải kiêng như trước đây. Thứ hai là cũng tốt cho gia đình, vì nồi cơm này có nhiều công dụng như loại bỏ tinh bột xấu trong gạo, ngừa các bệnh về tiểu đường, béo phì, tim mạch, tai biến do các tinh bột xấu trong gạo gây ra”.
Ngoài những người đặt lòng tin cho nồi cơm tách đường này thì vẫn còn khá nhiều người e ngại về công dụng của nó. Theo anh Lê Mạnh Cường (quận Gò Vấp): “Thật sự rất khó tin vào những quảng cáo của người bán. Theo tôi, người tiêu dùng không nên quá tin tưởng mà không chú ý đến khẩu phần ăn hằng ngày của mình mà ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Chuyên gia khuyến cáo gì?
Theo một số chuyên gia, đối với những bệnh nhân bệnh tiểu đường, đừng quá tin vào lời quảng cáo, mua những sản phẩm này sử dụng mà bỏ qua chế độ ăn ít tinh bột đã được bác sĩ khuyến cáo, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Chia sẻ cùng PLO, BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho hay người bị tiểu đường nghĩ khi dùng cơm nấu bằng nồi cơm điện tách đường là có thể ăn uống thoải mái mà không phải lo lắng là không đúng.
Nguyên tắc để điều trị bệnh tiểu đường là phải sử dụng thuốc, phải thực hành chế độ dinh dưỡng phù hợp với người tiểu đường, phải vận động.
Bà Diệp chia sẻ: Trong chế độ dinh dưỡng đối với người tiểu đường thì cần chú ý các yếu tố như sau: Nên giảm bớt lượng chất bột đường so với người bình thường; chọn loại thực phẩm giàu chất bột đường chuyển hóa chậm, ví dụ như cơm gạo lứt, các loại ngũ cốc nguyên cám, bắp, khoai... Ngoài ra, nên tăng cường sử dụng các loại rau xanh có nhiều chất xơ...
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng có chia sẻ xung quanh tác dụng của nồi cơm tách đường. Theo ông, nguyên lý hoạt động của chiếc nồi cơm điện tách đường là cần phải cho nhiều nước vào gạo hơn bình thường. Nhờ nguyên lý gạn nước mà lượng đường lẫn trong nước gạo sẽ được tách riêng ra khỏi cơm để chảy vào một ngăn chứa.
Nhưng thực chất việc gạn nước để tách đường trong tinh bột cơm gạo lại không như mọi người vẫn đang nghĩ. Nguyên nhân là hàm lượng đường trong cơm rất ít. Bên cạnh đó, cơm gạo khi ăn vào cơ thể mới chuyển hóa thành đường được. Vì vậy, chúng ta không nên nghĩ rằng người tiểu đường có thể tự ý ăn bao nhiêu cơm nấu bằng nồi cơm điện tách đường cũng được. Người bị tiểu đường ăn nhiều cơm gạo nấu bằng chiếc nồi này cũng sẽ bị tăng lượng đường huyết trong máu bình thường, ông Thịnh chia sẻ thêm.