Nỗi lo lạm phát thổi bùng giá vàng

Tính đến cuối tuần qua, giá vàng thế giới đã có tổng cộng bảy ngày tăng liên tiếp, đẩy giá kim loại quý này lên quanh mức 1.867 USD/ounce, tương đương 51,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Như vậy so với đầu tháng 11, giá vàng thế giới đã tăng hơn 6%, tương ứng khoảng 2,8 triệu đồng/lượng.

Tăng 2 triệu đồng/lượng chỉ trong thời gian ngắn

Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng biến động mạnh. Chỉ trong vòng hai tuần qua, giá vàng miếng SJC đã tăng tới 2 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với đầu năm thì hiện giá vàng SJC đã tăng khoảng 4,5 triệu đồng/lượng. Hiện kim loại quý có thời điểm tiệm cận mốc 61 triệu đồng/lượng.

Với mức giá trên, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân do giá vàng trong nước tăng chậm hơn thế giới nên khoảng cách vẫn lớn. Không chỉ giá vàng mà bạc, bạch kim… cũng tăng rất mạnh.

Giới phân tích có chung nhận định mối lo lạm phát là nguyên nhân chính đẩy vàng tăng liên tục, vì kim loại quý này là tài sản được giới đầu tư tìm đến trong môi trường tiền giấy mất giá. Đặc biệt, giá vàng tăng đột biến vì thị trường bắt đầu nhận thấy lạm phát không phải là nhất thời như nhận định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mà có thể kéo dài. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng mạnh nhất hơn ba thập niên.

Ngoài ra, nếu xét về CPI lõi bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8-1991. Nguyên nhân do giá hàng hóa tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Trong bối cảnh trên, các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ có phản ứng bằng cách tăng lãi suất.

Giá vàng tăng liên tiếp trong những ngày gần đây. Ảnh: THÙY LINH

Mẹo khi mua vàng

Chị Nguyễn Châu (TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: Do vốn ít nên mỗi lần chị mua nửa chỉ hoặc một chỉ nhằm mục đích tích góp. Tuy nhiên, khi chọn mua vàng nữ trang, chị chú ý đến chênh lệch giữa giá mua - bán của các doanh nghiệp nhằm tránh thiệt hại khi có nhu cầu bán lại.

Chẳng hạn, tại thời điểm ngày 12-11, nếu mua vàng nữ trang 24K của một thương hiệu là 53,19-53,48 triệu đồng/lượng, tương đương chênh lệch 290.000 đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nữ trang 24K tại một công ty khác là 52,6-53,4 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua - bán lên tới 800.000 đồng/lượng. “Với những người mua bán nhỏ lẻ thì vài trăm ngàn cũng là điều cần quan tâm” - chị Châu nói. 

Chưa hết, sự bứt phá của giá vàng có khả năng dẫn đến việc các quỹ sẽ chuyển dòng vốn sang đầu tư vào vàng một cách mạnh mẽ hơn. Khi đó, giá vàng có khả năng bùng nổ mạnh hơn.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 10-2021 giảm 0,2%, đưa CPI bình quân 10 tháng về mức tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay đứng ở mức dưới 4% có thể sẽ đạt được.

Tuy nhiên, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá: Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. “Việc đảm bảo mục tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn” - bà Hồng nói.

Không dám mạo hiểm hãy tránh xa vàng

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định: Để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch COVID-19, từ năm ngoái đến nay, Mỹ đã chi tới 5.300 tỉ USD để cứu trợ người dân và doanh nghiệp.

Với lượng tiền quá lớn đẩy vào nền kinh tế thì việc lạm phát gia tăng là điều tất yếu. Lạm phát tại Mỹ gia tăng dự báo không chỉ trong thời gian ngắn hay mang tính tạm thời mà có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022. Nhưng không chỉ ở Mỹ mà nguy cơ lạm phát còn diễn ra trên toàn cầu.

“Một khi lạm phát tăng thì giá vàng thế giới sẽ sớm đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong thời gian tới. So với đồng USD, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thì từ đầu năm đến nay, vàng là kênh có tỉ lệ sinh lời khá tốt” - TS Hiếu nói.

Chuyên gia ngành vàng Huỳnh Trung Khánh đánh giá: Trong bối cảnh lạm phát tăng thì vàng được xem là một trong những kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư một cách tốt nhất. Ngoài việc phòng chống lạm phát thì vàng còn có tính thanh khoản rất cao, giúp người dân dễ dàng cơ cấu danh mục đầu tư khi cần. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là nhà đầu tư dồn hết vốn vào vàng mà chỉ nên phân bổ khoảng 20% vốn nhàn rỗi vào vàng.

“Bất cứ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định, bởi lẽ không ai biết chắc chắn giá vàng ngày mai sẽ tăng hay giảm. Nếu biết chắc chắn, không ai đu đỉnh ở vùng giá 62 triệu đồng/lượng và đến giờ vẫn chưa thể thu hồi vốn. Do đó, khi đã đầu tư và chấp nhận được mức thiệt hại có thể xảy ra thì nên đầu tư vàng. Ngược lại, nếu không chấp nhận được mức độ rủi ro thì nên tránh xa” - ông Khánh khuyến cáo.

Lý do giá vàng trong nước cách ly với thế giới

Giá vàng SJC trong nước hiện cao hơn thế giới khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Lý giải về việc giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với vàng thế giới, ông Tô Thanh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank - SBJ), cho biết nguyên nhân do nguồn cung vàng SJC khan hiếm, cộng thêm yếu tố mùa vụ. Do đó từ nay đến tết, ngay cả khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm thì giá vàng trong nước không dễ gì giảm mạnh theo. Thậm chí, nếu giá vàng thế giới lao dốc lại càng kéo chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, cùng là vàng 24K nhưng vì SJC là vàng thương hiệu quốc gia nên người dân khi mua loại vàng này sẽ gánh thêm chi phí “thương hiệu” đắt hơn đến 7 triệu đồng/lượng so với việc mua vàng nữ trang. Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán của vàng SJC với vàng nữ trang 24K cũng khác nhau một trời một vực.

“Với những ai mua vàng chỉ để tích trữ, gom góp từng chỉ, nửa phân vàng thì có lẽ mua vàng nữ trang là một sự lựa chọn khôn ngoan. Thực tế, theo quan sát của tôi trong thời gian qua, doanh số bán vàng nữ trang tăng mạnh so với vàng miếng SJC” - ông Hiệp cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm