Phiên giao dịch ngày thứ năm, 18-4, theo giờ New York, giá vàng thế giới tăng khá mạnh. Đóng phiên, giá vàng giao ngay tăng 1%, chốt ở giá 2.384USD/ounce. Còn giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 0,4% lên 2.398USD/ounce.
Diễn biến phiên giao dịch khá giằng co. Có lúc giá vàng đã hạ sâu vào khoảng 10 giờ 30 sáng, rồi tăng mạnh trở lại vào khoảng 13 giờ chiều. Chênh lệch giữa mức đáy và mức đỉnh của phiên khoảng 20USD/ounce.
Diễn biến phiên giao dịch thứ năm này gây liên tưởng đến phiên giao dịch thứ sáu tuần trước. Thời điểm đó, giá vàng giao ngay có lúc lên mức hơn 2.431USD/ounce, cao nhất trong lịch sử thị trường vàng thế giới.
Diễn biến này gây chú ý bởi đây là lúc số liệu kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu tích cực. Chẳng hạn, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần gần nhất không thay đổi so với tuần trước đó.
Các tín hiệu này đủ để giới phân tích thị trường tài chính và hàng hóa thế giới dự báo rằng áp lực đã giảm bớt, như vậy số lần cắt giảm lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ ít hơn so với kỳ vọng trước đây.
Vì vậy, biến động giá vàng này được cho là bắt nguồn từ những lo lắng về căng thẳng Trung Đông có thể tiếp tục leo thang.
Theo WSJ và AFP, chính quyền Israel đã phát đi thông điệp họ sẵn sàng trả đũa Iran thông qua hàng loạt vụ tấn công, bất chấp nhiều nước phương Tây đã kêu gọi hai bên kiềm chế.
Một bình luận trên WSJ còn cho rằng cả Israel và Iran đều muốn răn đe để đối thủ phải khiếp sợ. Nếu như vậy, chỉ cần một tính toán sai lầm, cả Trung Đông sẽ rơi vào vòng xoáy xung đột gay gắt.
Sau cuộc tập kích tối 13-4 bằng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái của Iran và cuộc hiệp đồng giữa Israel với các đồng minh phương Tây ngăn chặn cuộc tập kích, cả Tehran và Tel Aviv đều truyền đi thông điệp rằng họ đã chiến thắng.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn băn khoăn về khả năng cả hai bên tiếp tục tìm kiếm các biện pháp răn đe mạnh hơn. Lúc ấy, căng thẳng sẽ không dừng lại ở phạm vi quốc gia mà lan ra toàn khu vực.
“Khi có những căng thẳng chính trị, phản ứng tự nhiên của nhà đầu tư sẽ là tìm đến vàng, điều đang thực sự xảy ra. Nếu căng thẳng leo cao hơn nữa, giá vàng sẽ có thể lên mức 2.500-2.600USD/ounce. Tuy nhiên, nếu Trung Đông ngừng bắn, giá vàng có thể về lại mức 2.200USD/ounce” - chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ Gainesville Coins, ông Everett Millman nhận định.
Tuy nhiên, ngay cả khi căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt, theo ông Millman, việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua mạnh cũng khiến giá vàng khó hạ sâu.
Chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Bank of China International (BOCI) – ông Xiao Fu cũng có nhận định tương tự. Theo đó, đặt diễn biến của giá vàng thế giới trong xu thế điều chỉnh chính sách tiền tệ mới từ Fed, kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ đi xuống diễn ra cùng lúc với xu thế chốt lời của nhà đầu tư, thì khả năng giá vàng điều chỉnh là có nhưng sẽ không giảm sâu.
Chưa rõ tác động của diễn biến giá vàng thế giới sẽ tác động thế nào tới giá vàng trong nước hôm nay nhưng thời điểm này, thị trường trong nước đang chịu tác động nhiều từ thông tin mà Ngân hàng Nhà nước phát ra.
Theo đó, bằng cách nào đó, hoặc nhập khẩu hoặc từ dự trữ quốc gia sẽ đưa vàng miếng vào thị trường, giải tỏa căng thẳng cung - cầu vốn đã diễn ra nhiều năm. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng cao, tạo chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.