Các luật sư đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm cần hoàn thiện.
Cần có hạn chót cung cấp chứng cứ
Luật sư Nguyễn Chính, là trọng tài viên giải quyết nhiều vụ tranh chấp tại VIAC, góp ý về hạn chót cung cấp chứng cứ để giải quyết tranh chấp. Theo ông, VIAC có thể nghiên cứu thêm việc cho phép các bên thỏa thuận với nhau một thời hạn cung cấp chứng cứ, các chứng cứ cung cấp sau thời hạn này không được chấp nhận, và xem thử thỏa thuận như vậy có mâu thuẫn với luật không. Tố tụng trọng tài ưu việt nhờ nhanh gọn, hiệu quả mà cho thời gian vô hạn khi cung cấp chứng cứ thì làm sao ngắn gọn, hiệu quả khi các bên cung cấp chứng cứ vào giờ chót, ông góp ý.
Luật sư Kiều Anh Vũ (Văn phòng luật sư Lê Nguyễn) cho biết mối quan hệ giữa luật sư, doanh nghiệp với VIAC không chỉ trong lúc giải quyết vụ việc, ra phán quyết mà còn kéo dài đến giai đoạn công nhận phán quyết trọng tài. Vì vậy luật sư rất cần sự hỗ trợ của VIAC sau khi giải quyết, ví dụ chứng cứ trong việc gửi giấy tờ đến bị đơn...
Muốn không vô tư cũng không được
Các luật sư thảo luận khá nhiều về sự vô tư, khách quan và xung đột lợi ích khi luật sư đảm nhận vai trò trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, người từng giữ vai trò chủ tịch hội đồng trọng tài trong nhiều vụ giải quyết tranh chấp, khẳng định: “Muốn không vô tư cũng không được. Vì chủ tịch hội đồng có muốn nhưng mà trọng tài viên không chịu, sẽ phải bàn tới bàn lui”.
Vấn đề mấu chốt đánh tan e ngại về tính vô tư, khách quan, hay xung đột lợi ích, theo luật sư Bích, là “Hội đồng trọng tài không bị bắt buộc phải làm việc giải quyết tranh chấp. Họ được các bên tin tưởng giao vụ việc, nên họ thân thiện và phục vụ. Họ không bị ép buộc hay kiếm tiền trong việc xử các vụ tranh chấp, nên về lương tâm là công bằng. Khi xử chỉ tùy thuộc vào khả năng, kinh nghiệm của mỗi người mà thôi”.
Buổi tọa đàm “Luật sư và VIAC”
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, thành viên Hội đồng Khoa học pháp lý VIAC, cho rằng VIAC hiện nay đã có rất nhiều khác biệt vượt bậc so với năm 2010. Số vụ việc tranh chấp nhờ VIAC giải quyết ngày càng tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng hơn nữa. Đa phần luật sư tham gia đều rất chuyên nghiệp và khả năng điều hành xét xử của VIAC tốt. Ông góp ý VIAC cần đa dạng hóa các dịch vụ, ví dụ như dịch vụ trọng tài ad-hoc, dịch vụ hòa giải... vì khách hàng rất cần những dịch vụ này.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, cho biết đã lắng nghe tất cả góp ý của các luật sư để hoàn thiện hơn nữa hoạt động của VIAC, đúng phương châm “Thân thiện, Minh bạch, Hiệu quả” của VIAC.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC, cho biết có 150 vụ việc đã được VIAC nhận giải quyết từ đầu năm đến nay, trong đó hơn 100 vụ tại TP.HCM. Trung bình một vụ kiện được giải quyết trong 153 ngày, có vụ chỉ cần 45 ngày.
Trong các lĩnh vực tranh chấp phải thì tranh chấp tài chính, ngân hàng tăng từ 3% năm 2015 lên thành 13% năm 2016. Dự báo khuynh hướng tranh chấp tài chính, ngân hàng sẽ chọn trong tài, VIAC nhiều hơn do lĩnh vực này đòi hỏi phải người phân xử có chuyên môn tài chính, mà trọng tài viên VIAC hoàn toàn đáp ứng được...