Nóng Nga-Ukraine 27-5: Vùng Luhansk có nguy cơ thất thủ, Nga nói phương Tây bôi nhọ mình

(PLO)-  Nga cố chiếm những khu vực Ukraine kiểm soát ở miền đông, bao gồm vùng Luhansk; Nga nói phương Tây bôi nhọ mình trên các phương tiện truyền thông và chê đề xuất giải quyết khủng hoảng của Ý; WHO ra nghị quyết lên án Nga vì gây ra tình trạng y tế khẩn cấp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nóng ở chiến trường miền đông Ukraine

. Hôm 26-5, một quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tiến gần hơn đến các khu vực xung quanh vị trí quân Ukraine đồn trú và chiếm giữ các vị trí trên đường cao tốc cuối cùng của những thành phố quan trọng ở khu vực Luhansk, miền đông Ukraine hiện do Kiev kiểm soát, theo hãng tin Reuters.

Theo đó, hàng nghìn quân Nga đang tiến công từ ba phía để cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine ở TP Sievierodonetsk và Lysychansk nằm ở khu vực sông Siverskiy Donets. Nếu hai thành phố này thất thủ thì gần như toàn bộ tỉnh Luhansk, ở vùng Donbass sẽ nằm trong sự kiểm soát của Nga.

Cục trưởng Cục Tâc chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine - ông Oleksiy Gromov nói : "Nga có lợi thế, nhưng chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể".

Tỉnh trưởng Luhansk - ông Serhiy Gaidai cho biết Nga đang pháo kích vào đường cao tốc và khoảng 50 binh sĩ Nga đã tới khu vực này và "cố gắng giành được chỗ đứng", thậm chí còn có ý định thiết lập một trạm kiểm soát. Ông cũng cho biết có khả năng quân Ukraine sẽ phải rút lui đến những vị trí an toàn, kiên cố hơn.

. Hôm 26-5, chính quyền Kiev thông báo quân Nga đã tiếp quản thị trấn Liman ở miền bắc khu vực Donetsk, thuộc miền đông Ukraine, đài RT đưa tin.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Alexey Arestovich nói: “Chúng tôi đã mất thị trấn Liman”. Ông cho biết quân Ukraine đã rút lui về phía tây và tây nam của thị trấn này và vừa tác chiến vừa lui quân.

Những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc pháo kích của Nga ở vùng Donetsk hôm 24-5. Ảnh: AP
Những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc pháo kích của Nga ở vùng Donetsk hôm 24-5. Ảnh: AP

Liman là một trong những thị trấn đầu tiên ở vùng Donetsk bị lực lượng đối lập với chính phủ Kiev tiếp quản sau cuộc chính biến Maidan năm 2014. Các lực lượng “chống khủng bố” của Ukraine đã chiếm được thị trấn này vào đầu tháng 6 cùng năm.

. Hôm 26-5, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết hành động của Nga ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine phản ánh "một chính sách diệt chủng rõ ràng".

Ông Zelensky nói: "Cuộc tấn công của Nga ở Donbass có thể khiến khu vực này không còn người ở. Tất cả những điều này, bao gồm cả việc đưa người Ukraine khỏi đất nước chúng tôi và giết hại hàng loạt dân thường, là một chính sách diệt chủng rõ ràng mà Nga đang đưa ra.

Nga lên án phương Tây bôi nhọ mình

. Hôm 26-5, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nói rằng phương Tây đã phát động một chiến dịch bôi nhọ lớn chống lại Nga trên các phương tiện truyền thông và internet, đài RT đưa tin.

Ông Polyansky cho rằng phương Tây tìm cách truyền bá những quan điểm “có lợi cho mình nhưng không phải lúc nào cũng đúng với thực tế” và bóp méo sự thật khiến người dân bình thường khó phân biệt được đâu là điều đang diễn ra. Đồng thời, ông lên án việc phương tây cấm các kênh truyền thông Nga như RT và cho rằng các thông tin từ Nga là “tuyên truyền”.

Nga chê ý tưởng giải quyết khủng hoảng Ukraine của Ý

. Trong một cuộc phỏng vấn với đài RT tiếng Ả-rập, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không tin rằng đề xuất hòa bình mà chính phủ Ý đã chia sẻ với Ukraine và các đồng minh phương Tây có thể là một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một tòa nhà bị hư hại ở TP Kharkiv, Ukraine, vào ngày 26-5. Ảnh: EPA
Một tòa nhà bị hư hại ở TP Kharkiv, Ukraine, vào ngày 26-5. Ảnh: EPA

Ông Lavrov nói rằng tài liệu này dường như không phải là bước đột phá như một số quan chức Ý khẳng định. Ông cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio đã tích cực nói về sáng kiến 4 điểm giải quyết khủng hoảng Ukraine trên các phương tiện truyền thông nhưng thực tế rằng Ý dường như sẽ không chính thức chia sẻ ý tưởng này với Nga.

Ông nói rằng nếu đưa ra đánh giá về những gì truyền thông đưa tin về ý tưởng của Ý thì Moscow “rất tiếc vì người đưa ra ý tưởng thiếu hiểu biết về những gì đang diễn ra và sự thiếu hiểu biết về vấn đề cũng như lịch sử của nó”.

Động thái từ WHO, Mỹ

. Hôm 26-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một nghị quyết lên án tình trạng khẩn cấp về y tế khu vực do chiến dịch quân sự Nga gây ra và bác bỏ một nghị quyết của Moscow vì tài liệu này không nói gì đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng, hãng tin Reuters cho hay.

Cả hai nghị quyết nói trên đều bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng về tình trạng khẩn cấp y tế đang diễn ra ở Ukraine và xung quanh Ukraine". Tuy nhiên, đề xuất do phương Tây đưa ra chỉ đích danh rằng tình trạng khẩn cấp này là do chiến dịch quân sự của Nga gây ra còn đề xuất của Nga thì không.

Phó đại sứ Nga tại LHQ Alexander Alimov gọi đề xuất của phương Tây là "chính trị hóa, phiến diện và thiên vị" so với đề xuất "mang tính xây dựng" của Nga. Ông chỉ trích phương Tây “thao túng WHO là không thể chấp nhận được”.

. Hôm 26-5, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington đã tổ chức các cuộc thảo luận với Kiev về nguy cơ leo thang chiến tranh nếu Kiev tấn công sâu vào bên trong nước Nga trong bối cảnh phương Tây tiếp tục gửi nhiều vũ khí, bao gồm vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Theo các quan chức, các cuộc thảo luận không đưa ra các hạn chế địa lý rõ ràng đối với việc sử dụng vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã tìm cách đạt được những nhận thức chung về nguy cơ leo thang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm