Tình hình chiến sự
. Hãng thông tấn Ukrinform ngày 8-8 dẫn lời bà Natalia Humeniuk - Giám đốc Trung tâm Báo chí của Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam Ukraine cho biết quân đội nước này đã không kích tầm xa vào các căn cứ quân sự của Nga và hai cây cầu quan trọng bắc qua sông Dnepr.
Bà nói thêm rằng một số kho đạn của lực lượng Nga cũng đã bị phá hủy trong 24 giờ qua.
“Chúng tôi đang đánh vào các mục tiêu khá quan trọng, cả cầu Antonivskyi và Kakhovskyi" - bà Humeniuk nói.
Theo bà Humeniuk. các cuộc tấn công đánh trúng hai cây cầu duy nhất Nga có thể dùng để tiến vào vùng lãnh thổ nước này đang kiểm soát ở miền nam Ukraine.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: REUTERS |
. Ông Kirill Stremousov - quan chức được Nga bổ nhiệm ở tỉnh Kherson nói với hãng thông tấn Interfax “Cầu Antonivskiy đã bị thiêu rụi, không có thiệt hại nghiêm trọng, nhưng việc thông xe bị chậm trễ một chút”.
. Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam Ukraine cho biết Ukraine đã nhận được 3 hệ thống phòng không tự hành Gepard đầu tiên từ Đức và sẽ sử dụng chúng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, theo Ukrinform.
Các diễn biến khác
. Ngày 8-8, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cho biết nước này sẽ cung cấp thêm 4,5 tỉ USD hỗ trợ ngân sách cho chính phủ Ukraine, nâng tổng hỗ trợ ngân sách của Washington cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 2 lên 8,5 tỉ USD, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, theo USAID, khoản tài trợ sẽ được chuyển đến chính phủ Ukraine theo từng đợt, bắt đầu với khoản giải ngân 3 tỉ USD vào tháng 8.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS |
. Cùng ngày, Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine. Đây là gói hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị lớn nhất mà Mỹ gửi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi năm tháng trước, theo tờ The Guardian.
Lô hàng mới này nâng tổng số tiền Mỹ gửi cho chính quyền Kiev kể từ cuối tháng 2 lên 9 tỉ USD, theo đài CBS News.
Gói hỗ trợ quân sự lần này bao gồm đạn dược sử dụng cho Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống chống thiết giáp, hệ thống súng cối và đạn pháo. Nó cũng bao gồm 50 phương tiện điều trị y tế bọc thép và vật tư y tế.
Lính Nga đứng gác ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: REUTERS |
. Ngày 8-8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc Ukraine dùng "châu Âu làm con tin" liên quan tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine). Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của châu Âu, theo đài RT.
Nhà máy Zaporizhzhia hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Moscow. Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau gây ra thiệt hại cho tổ hợp nhà máy bằng cách pháo kích vào đây. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tìm cách đến kiểm tra nhà máy.
Theo bà Zakharova: “Các nhà lãnh đạo của Liên Hợp Quốc và IAEA, hết lần này đến lần khác, không dám trực tiếp chỉ ra nguồn gốc của mối đe dọa. Họ đang thể hiện sự không muốn chỉ tay vào Kiev”.
. Cùng ngày, theo ông Yevgeniy Balitsky - người được Nga bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo tỉnh Zaporizhzhia cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang hoạt động bình thường. Trong khi đó, người đứng đầu công ty điện hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom kêu gọi biến nhà máy này trở thành khu vực cấm quân sự và cho biết cần có một đội gìn giữ hòa bình hiện diện tại địa điểm này, theo The Guardian.
Một xe hơi bị phá hủy sau một đợt pháo kích ở TP Kharkiv. Ảnh: REUTERS |
. Trong một động thái riêng biệt, ông Balitsky cho biết ông đã ký lệnh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, theo hãng thông tấn TASS.
"Tôi đang ký lệnh để Ủy ban Bầu cử Trung ương bắt đầu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về việc thống nhất của tỉnh Zaporizhzhia với Nga” - ông nói.
Nghị quyết về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đã được ông Vladimir Rogov - thành viên hội đồng trưởng chính quyền quân sự-dân sự tỉnh Zaporizhzhia, thông báo trước đó.
Ông nhấn mạnh rằng cư dân của Zaporizhzhia và Nga là một dân tộc.
. Theo RT ngày 8-8, bà Alice Weidel - lãnh đạo đảng Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AFD), đã chỉ ra điều mà bà cho là sai lầm của phương Tây đối với Ukraine. Theo chính trị gia này, các đồng minh của Kiev lẽ ra phải xây dựng hình ảnh cho quốc gia Đông Âu như một quốc gia trung lập, thay vì lôi kéo nước này vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Bà Weidel lưu ý rằng việc sáp nhập Ukraine và các kế hoạch đưa Ukraine vào NATO, cũng như EU, là điều mà người Nga sẽ không bao giờ chấp nhận.
Người đứng đầu AFD tiếp tục lập luận rằng phương Tây đã xử lý vấn đề rất nhạy cảm này một cách “thiếu thận trọng” và đã mắc sai lầm khi không đưa Ukraine vào con đường trở thành một quốc gia trung lập.
. Ngày 8-8, Điện Kremlin thông báo Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tới dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 tại TP New York, theo RT.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có ý định tới UNGA hoặc thậm chí phát biểu trực tuyến đến sự kiện. Thay vào đó, Tổng thống Nga đã ký chỉ thị chỉ định ông Lavrov làm trưởng phái đoàn Nga. Hiện chưa rõ liệu Mỹ có cho phép ông Lavrov và một thành viên khác trong phái đoàn Nga nhập cảnh nước này hay không.