Nóng Nga-Ukraine chiều 25-6: Mỹ nói việc Ukraine rút khỏi Severodonetsk là 'chiến thuật', nguy cơ dịch bệnh ở Mariupol

(PLO)- Nga đang đánh mạnh ở Severodonetsk, cố gắng tiến vào Lysychansk; quan chức Mỹ nói việc Ukraine rút lui mang tính chiến thuật; tình hình vệ sinh ở Mariupol rất khủng khiếp; Nga không muốn tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự

. Ngày 25-6, Tỉnh trưởng Luhansk - ông Serhiy Haidai cho biết quân Nga vẫn đang đánh chiếm khu công nghiệp Severodonetsk, cố gắng tiến vào Lysychansk từ phía nam và bao vây thành phố này. Ông nói thêm rằng Lysychansk đã hứng chịu một cuộc không kích và Severodonetsk thì bị nã pháo liên tục vào hôm 24-6, theo hãng thông tấn Ukrinform.

. Theo Ukrinform, ở hướng tỉnh Kharkiv, đông bắc Ukraine, quân Nga tập trung giữ các vị trí đã kiểm soát được. Nga tiếp tục nã pháo vào các cơ sở hạ tầng ở khu vực TP Kharkiv và hồ chứa Vyalyi.

Ở hướng TP Slovyansk, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, quân Nga dồn hỏa lực để kiếm soát làng Dovhenke và Dolyna. Quân Nga cũng nã đạn vào các khu vực gần làng Nova Dmytrivka, Khrestyshche, Dibrovne và Bohorodychne.

Ở hướng TP Kramatorsk, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, quân Nga không tích cực khai hỏa nhưng cũng đã nã đạn súng cối và rocket vào lực lượng Ukraine tại các khu định cư Raihorodok và Starodubivka.

Quan chức Mỹ khen việc Ukraine rút lui khỏi Severodonetsk

. Trong một cuộc họp báo vào ngày 24-6, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng việc lực lượng Ukraine quyết định rút quân dần khỏi Severodonetsk là một sự rút lui chiến thuật nhằm củng cố lực lượng ở những vị trí mà Ukraine có thể tự vệ tốt hơn. Ông còn nói thêm rằng Nga đã phải trả cái giá rất đắt để kiểm soát được khu vực nhỏ bé này.

Lính Ukraine chiến đấu ở khu công nghiệp ở TP Severodonetsk hôm 20-6. Ảnh: REUTERS

Lính Ukraine chiến đấu ở khu công nghiệp ở TP Severodonetsk hôm 20-6. Ảnh: REUTERS

Quan chức này nói thêm: “Khi nhìn vào quá trình chiến dịch quân sự trong 4 tháng qua, rõ ràng là chúng ta đã thấy Nga phải điều chỉnh lại hoàn toàn các kế hoạch. Bởi các kế hoạch ban đầu của Nga quá tham vọng và được quản lý không đúng. Nga phải chuyển từ việc tiến đánh nhiều nơi (trong giai đoạn đầu chiến dịch) đến việc chỉ tập trung vào trọng tâm là miền đông Ukraine”.

Trước đó, cũng trong ngày 24-6, Tỉnh trưởng Luhansk - ông Serhiy Haidai thông báo lực lượng Ukraine đã nhận được lệnh rút khỏi Severodonetsk.

Tình hình vệ sinh ở TP Mariupol rất khủng khiếp

. Ngày 24-6, Thị trưởng TP Mariupol - ông Vadym Boichenko đã cập nhật tình hình bên trong thành phố mà hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, theo đài CNN.

Ông Boichenko cho biết có 120.000 người dân đang mắc kẹt trong thành phố và tình hình vệ sinh rất tồi tệ. Ông nói: “Rác đã không được dọn khỏi thành phố từ tháng 2. Hàng ngàn tấn rác hiện la liệt khắp các đường phố. Cống thoát nước không hoạt động và thành phố không có nước”.

Hiện ông Boichenko không còn ở Mariupol nhưng ông vẫn nhận được các thông tin từ trong thành phố. Ông nói các lực lượng Nga đã phải tránh xa người dân vì sợ nhiễm bệnh.

Nga nói không bị cô lập, không tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

. Ngày 24-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga không có ý định tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), theo hãng thông tấn TASS.

Lực lượng thân Nga chiến đấu ở tỉnh Donetsk. Ảnh: REUTERS

Lực lượng thân Nga chiến đấu ở tỉnh Donetsk. Ảnh: REUTERS

Theo bà Zakharova, Moscow giữ vững quan điểm rằng TPNW là thỏa thuận sai lầm và còn phản tác dụng. Bà cho rằng hiệp ước này không thể giảm thiểu rủi ro hạt nhân đang ngày càng gia tăng và không đưa nhân loại tiến gần hơn tới mục tiêu của thỏa thuận. Bà khẳng định cách tiếp cận trong TPNW chỉ làm cho mâu thuẫn giữa các quốc gia tăng lên.

Ngoài ra, bà nhấn mạnh Nga chưa bao giờ đưa ra bất kỳ lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào. Bà cho rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ ngăn chặn được xung đột hạt nhân và chiến tranh quy mô lớn vì tuân theo logic răn đe hạt nhân, nghĩa là hai bên sẽ nhận thức được hậu quả nghiêm trọng nếu dùng vũ khí hạt nhân và không dám hành động.

. Ngày 25-6, Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho biết cái gọi là “sự cô lập” Nga chỉ có trong giấc mơ của các nước phương Tây, theo TASS.

Ông viết trên Twitter: “Theo dõi hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS 2022, người ta có thể thấy rõ ràng rằng sự ‘cô lập’ Nga chỉ tồn tại trong mơ tưởng của các đối tác phương Tây”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm