Hiếm ai như Trung tá Trương Thị Thúy Hà, cán bộ tiếp dân, Công an phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM, gặp dân mà toàn hỏi chuyện nhà chuyện cửa, xưng hô dân dã như những người hàng xóm lâu rồi chưa gặp nhau.
Làm bạn với dân qua Zalo
Một buổi chiều tháng 11, cánh cửa phòng tiếp dân của trụ sở Công an phường Trường Thạnh (quận 9) liên tục mở rồi đóng. Vừa mở cửa bước vào, chúng tôi nghe tiếng Trung tá Hà nhẹ nhàng dặn với theo một cô gái trẻ: “Trước khi đến nhớ gọi trước cho chị xem chị có ở đây không, chứ có khi chị chạy ra ngoài, em đến là không gặp thêm mất công nhen”.
Từ 14 giờ, người dân đến liên hệ làm thủ tục mỗi lúc một đông. Ngồi ở vị trí tiếp dân, Trung tá Trương Thị Thúy Hà đón tiếp từng người dân, hướng dẫn từng chút một, không quên hỏi thăm về gia đình của mỗi bà con thông qua những câu chuyện mới, cũ cứ như họ là người nhà, người quen của nhau.
Mọi cuộc trò chuyện của chị với người dân luôn diễn ra tự nhiên, chân tình. Chị làm hồ sơ cho người này nhưng vẫn để ý xem có người dân nào vừa mở cửa bước vào, cười chào rồi hỏi chuyện họ từ những câu đơn giản nhất như: “Nay cô đến làm giấy tờ gì nữa hả?”, “Nhà cửa mấy nay sao rồi hả chú?”, “Dưới khu phố mình mấy nay có chuyện gì vui không cô ơi?”…
Cứ thế bàn tay liên tục viết, ký, đóng dấu,… mà môi luôn nở nụ cười hiền, tám chuyện từ người này đến người kia. Còn bà con đến cứ luôn miệng gọi: “Hà ơi”, “Hà này”, “Con xem giùm cô”,… Cứ thế, không gian ở trụ sở công an trở nên gần gũi lạ thường.
“Bà con ở đây đâu phải ai cũng rành hết chữ nghĩa, luật lệ. Có khi lên đây mình đã hướng dẫn nhưng về nhà bà con lại chưa rõ nhiều điều nên thường hay liên lạc qua điện thoại, Zalo để hỏi. Có nhiều người cũng lên làm hồ sơ, về nhà kết bạn Zalo tiếp tục hỏi rõ, hỏi kỹ hơn các thủ tục… Riết rồi sau này thành bạn thân trên mạng xã hội đến giờ luôn!” - chị Hà tươi cười kể.
Trung tá Trương Thị Thúy Hà, Công an phường Trường Thạnh, quận 9, luôn niềm nở, vui vẻ khi tiếp người dân trên địa bàn phường. Ảnh: LÊ THOA
Ba đòn bánh tét nghĩa tình
Sáu năm qua, ngồi ở vị trí tiếp dân, nữ công an Trương Thị Thúy Hà luôn nghĩ cách làm để thuận tiện nhất cho người dân. Với mỗi người lên đăng ký tạm trú, chị Hà đều gửi một mẩu giấy nhỏ ghi toàn bộ giấy tờ cần có cho mỗi người tự đọc. Xong đâu đó, ai chưa hiểu thì hỏi thêm, về nhà vẫn chưa hiểu thì chị sẵn sàng tiếp chuyện qua điện thoại, Zalo. Hoặc trước ngày hoàn trả hồ sơ thì đôi bên liên lạc cho khỏi mất công người dân đi tới đi lui.
• Là nông dân chân lấm tay bùn nên tôi không rành lắm về thủ tục. Lúc đó cô Hà bảo có mẫu ghi sẵn ở ngoài để tui xem qua rồi ghi theo. Mấy lần lên đây làm, lần nào cô Hà cũng nhiệt tình chỉ dẫn, rất dễ hiểu và làm nhanh nữa. Chỗ nào không biết cô Hà đọc cho ghi từng chữ một. Con bé là công an nhưng giản dị, nhiệt tình, gần gũi lắm. Cô NGUYỄN THỊ KHẨN, ngụ Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM • Tôi ấn tượng với cô Hà ở chỗ lúc nào cũng vui vẻ, quan tâm đến đời sống của gia đình tui. Cứ mỗi lần đến là cô Hà đều hỏi chuyện nhiệt tình, có khi còn tư vấn cho tôi cái này cái kia. Lúc nào cô Hà cũng niềm nở hết. Bản thân tôi là người dân lao động bình thường, thấy thái độ cán bộ như vậy thì mừng. Mừng vì thấy mình được cán bộ công an tôn trọng. Chú NGUYỄN TẤN MÍ, ngụ Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM |
Trung tá Hà chia sẻ: “Người dân mình hiền khô, chân lấm tay bùn, chân chất lắm. Người làm thợ hồ, người làm công nhân, đâu rành thủ tục đâu. Có những chiều mấy anh phụ hồ tất tả cầm hồ sơ bước vào mà người còn lấm lem, đầy bụi. Thương lắm nên ai cần làm nhanh, làm gấp thì mình tranh thủ làm liền”.
Cũng chính vì lẽ đó mà những năm ngồi ở vị trí tiếp dân, Trung tá Hà lúc nào cũng nhiệt tâm với công việc của mình. Nữ cán bộ công an luôn tâm niệm: “Làm sao để khi người dân đến làm việc với mình thấy thoải mái, bước ra khỏi cánh cửa của phòng tiếp dân thấy vui vẻ là yên tâm rồi”.
Còn nhớ hôm rồi, có người phụ nữ tận quận 4 đến làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ tại phường, đợi mãi mới tới lượt mình nhưng lại hết giờ mất tiêu. Không để người dân phải quay về, Trung tá Hà nhanh nhẹn lấy hồ sơ, tư vấn để cô về nhà làm tờ khai.
Trung tá Hà còn nhớ mãi hình ảnh một người đàn ông quê ở Cần Thơ kiên nhẫn ngồi trước cửa phòng tiếp dân hàng giờ đồng hồ để chờ chị xong việc, trao tận tay chị ba đòn bánh tét để ăn tết.
“Tôi nhớ hôm đó chú đến để xin làm tạm trú gấp cho kịp thời gian cấp lại thẻ bảo hiểm. Vì chú cần rất gấp, lại lớn tuổi nên tôi trực tiếp gặp chỉ huy để xin làm gấp cho chú, trực tiếp liên lạc với cảnh sát khu vực nhờ hỗ trợ làm luôn và gửi cho chú trong ngày. Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là việc mình phải làm để hỗ trợ dân nhanh nhất có thể. Chú có cám ơn rồi rời đi như bao người khác. Nhưng điều tôi không ngờ là ngày gần tết, chú đến tìm tôi nhưng không báo trước, thấy dân chờ làm hồ sơ đông, chú ngồi chờ hàng giờ trước cửa phòng, chờ tôi xong việc rồi gửi quà. Thật sự lúc đó tự dưng thấy cảm động và thương chú lắm. Cứ nhớ hoài cái dáng vẻ của chú trong buổi chiều đó thôi” - Trung tá Hà xúc động kể lại.
Điển hình “Dân vận khéo” Trung tá Trương Thị Thúy Hà (SN 1978) là một điển hình về “Dân vận khéo” năm 2019, được Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tuyên dương vào tháng 10 vừa qua. Trung tá Hà được Chủ tịch nước tặng ba huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba. |