Trận đấu vòng loại World Cup giữa Iran và Campuchia diễn ra vào tối 10-10 (giờ địa phương) sẽ là một trận đấu quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập niên, phụ nữ Iran được phép vào trong sân để xem trực tiếp trận đấu.
Chỉ trong vòng một giờ, 3.500 vé được dành riêng cho khán giả là nữ giới đã được bán hết, buộc ban tổ chức sân Azadi phải bán thêm 1.100 vé dành cho các cổ động viên nữ.
“Đây là một khoảnh khắc lịch sử vĩ đại đối với bóng đá Iran” - ông James Montague, tác giả của một số cuốn sách về bóng đá, nói với hãng tin CNN. “Cuối cùng, lần đầu tiên trong 40 năm qua, nữ giới Iran đã được xem đội tuyển quốc gia chơi một trận bóng đá trên quê hương của mình” - ông nói thêm.
“Tôi vẫn không thể tin được rằng chuyện này đã xảy ra, bởi vì sau suốt những năm làm việc trong lĩnh vực này và xem bóng đá trên truyền hình, bây giờ tôi đã có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác trên khán đài của sân bóng” - một nữ phóng viên thể thao tên Raha Poorbakhsh nói với hãng tin FOX News.
Một nhóm nhỏ cổ động viên nữ được phép vào sân xem trận đấu giao hữu giữa Iran và Bolivia. Ảnh: AP
Hãng thông tấn Fars (Iran) cho biết khu vực dành cho cổ động viên nữ trong trận đấu ngày 10-10 sẽ nằm riêng biệt với khu vực dành cho nam giới và có khoảng 150 nam cảnh sát giám sát các cổ động viên này.
Trước đó, trong một trận giao hữu giữa Iran và Bolivia ở Tehran ngày 16-10-2018, một nhóm đặc biệt gồm khoảng 100 cổ động viên nữ đã được cho phép vào sân xem trực tiếp.
Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) đã nhiều lần nhắc lại quan điểm, yêu cầu Tehran cho phép nữ giới được vào trong sân vận động xem bóng đá. “FIFA đã nhắc lại quan điểm rõ ràng và không thay đổi, rằng phụ nữ cần được phép vào xem các trận bóng đá một cách tự do và số lượng phụ nữ được vào xem sẽ được xác định theo nhu cầu, căn cứ vào đó để xác định số vé bán ra”.
Một đoàn chuyên gia FIFA đã đến Tehran để thảo luận về các biện pháp dành riêng cho các cổ động viên nữ nước này, giúp họ có thể vào xem các trận bóng một cách tự do.
Iran đã cấm các khán giả nữ vào trong sân vận động từ năm 1981, với lý do bảo vệ họ khỏi "bầu không khí nam tính". Tuy nhiên, họ vẫn được phép xem một số môn thể thao khác như bóng chuyền.
Đầu năm nay, một phụ nữ Iran tên Sahar Khadayari đã đối mặt với một tòa án ở Tehran liên quan đến việc cô muốn vào sân xem bóng đá nhưng phiên tòa được hoãn lại. Sau đó, cô đã tự thiêu để phản đối, trước khi tòa có thể đưa ra một phán quyết mà cô cho là sẽ vô cùng tồi tệ đối với mình.