Những nơi được giám sát chặt nhất thế giới không phải thuộc một đất nước nào ở phương Tây mà chính là các TP của Trung Quốc, theo thống kê của trang web Comparitech (Anh - chuyên cung cấp thông tin về nghiên cứu và so sánh các dịch vụ công nghệ).
Trong danh sách 10 TP đứng đầu thế giới về mật độ máy quay an ninh trên số dân, Trung Quốc chiếm tới tám TP. Hai TP còn lại không thuộc Trung Quốc là London của Anh (đứng ở vị trí thứ sáu) và Atlanta của Mỹ (đứng ở vị trí thứ 10).
TP đứng đầu danh sách là Trùng Khánh ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc với gần 2,6 triệu máy quay an ninh, tương đương 168,03 máy trên 1.000 dân. TP Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông đứng ở vị trí thứ hai với 159,09 máy quay trên 1.000 dân.
TP Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ khu tự trị Tân Cương - nơi chính phủ Trung Quốc luôn theo dõi sát sao các hoạt động của bộ phận dân Hồi giáo ở đây - đứng thứ 14 trong danh sách thống kê của trang web Comparitech, với 12,4 máy quay trên 1.000 người.
Các TP châu Á khác nằm trong danh sách là Singapore ở vị trí 11 với 15,25 máy quay trên 1.000 dân, New Delhi của Ấn Độ đứng thứ 20 với 9,62 máy quay an ninh trên 1.000 dân.
Một trong gần 2,6 triệu máy quay giám sát được đặt ở TP Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: SHUTTERSTOCK
Truyền thông từng đưa tin rộng rãi rằng Trung Quốc hiện có 200 triệu máy quay an ninh đang được sử dụng và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 626 triệu máy vào năm 2022, tức tăng 213%. Tuy nhiên, trang web Comparitech cho rằng con số thực sự có thể còn cao hơn.
Theo trang web Comparitech, nếu Trung Quốc đi đúng lộ trình thì chỉ đến năm 2020 mật độ máy quay an ninh lắp đặt ở các TP lớn Trung Quốc sẽ tăng lên mức cứ hai người dân thì có một máy quay an ninh.
Thêm nữa, Comparitech viết trong báo cáo: “TP Thâm Quyến có kế hoạch sẽ có 16.680.000 máy quay an ninh được lắp đặt trong những năm tới đây, tăng 1,145% so với khoảng 1.929.600 máy hiện nay. Nếu toàn bộ Trung Quốc tăng số máy quay giám sát lên 1,145% thì tổng cộng Trung Quốc sẽ có 2,29 tỉ máy - tức gần hai máy trên một người”.
Báo cáo của Comparitech cũng đưa ra mối tương quan lỏng lẻo giữa số lượng máy quay giám sát an ninh và cảm nhận an toàn mà chúng mang lại cho người dân.
Bà Sarah Wang, một cư dân Trùng Khánh, cho biết bà có “cảm giác lẫn lộn” khi biết TP bà ở nằm đầu danh sách TP có mật độ máy quay an ninh dày nhất thế giới. Theo bà, thông tin này khiến bà cảm thấy có chút chán ghét nhưng bên cạnh đó bà cũng mong muốn nhờ đến máy quay để nhận diện kẻ đã lấy cắp điện thoại bà giữa đám đông.
Anh Yang Guo - cư dân TP Thâm Quyến (đứng thứ hai trong danh sách) công nhận trang bị máy quay an ninh cũng có phần ích lợi. Một trong số đó là các máy quay này góp phần điều chỉnh hành vi mọi người khi tham gia giao thông để tránh bị phạt nguôi. Anh Yang nói anh cảm thấy yên tâm hơn khi băng qua đường mà không còn lo ngay ngáy bị xe đâm tới vì không tôn trọng luật giao thông.
“Tôi thấy ổn với các máy quay giám sát an ninh, miễn là nó được đặt ở các nơi công cộng” - anh Yang nói.
Trung Quốc từng bị chỉ trích vì hệ thống máy quay an ninh khổng lồ của mình, thêm cả việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại những nơi công cộng, đông người.