“Một đoạn đường tàu lửa dài 1.700 m dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Thủ Đức) hễ cứ mưa xuống là ngập. Dòng nước chảy xiết cuốn trôi rất nhiều sỏi đá trên đường ray...” - công dân Đặng Văn Bình, một người đam mê nghiên cứu khoa học, thông tin trong bức thư gửi lãnh đạo UBND TP.HCM mới đây.
Nguy hiểm cho những chuyến tàu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bình cho biết trước khi gửi thư cho lãnh đạo TP.HCM, ông đã đi thực tế nhiều lần để ghi nhận tình trạng ngập nước ở đoạn đường sắt nói trên. “Sau những cơn mưa đầu tháng 6 vừa qua, tôi luôn đi dọc đường sắt đoạn từ đường Tô Ngọc Vân đến đường Lê Văn Tách để ghi hình và tìm hiểu nguyên nhân ngập nước” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, đoạn đường sắt nói trên có độ dốc khá cao, nhất là đoạn từ Tô Ngọc Vân đến cầu Gò Dưa. “Khi mưa to, nước chảy từ hướng Thủ Đức về cầu Gò Dưa rất mạnh. Do nhiều đoạn mương thoát nước dọc đường tàu bị lấn chiếm, lấp bít nên nước tràn lên đường ray, cuốn trôi nhiều đất đá khiến các thanh tà vẹt bị rỗng chân... Mỗi khi có tàu chạy qua, tà vẹt võng xuống thấy rõ. Tình trạng này gây mất an toàn cho các chuyến tàu khi chạy qua khu vực này” - ông Bình bày tỏ.
Để tăng tính thuyết phục, ông Bình đã chụp ảnh các điểm thoát nước bị lấn chiếm hay đọng rác gây tắc nghẽn dòng chảy, quay phim cảnh ngập đường ray tàu lửa rồi gửi kèm theo thư phản ánh. “Các hình ảnh cho thấy đây giống như một con sông nước chảy xiết chứ không phải là một đường tàu nữa. Độ bền của đường tàu bị suy giảm hẳn” - ông Bình nhấn mạnh trong “tâm thư” gửi Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân.
Đoạn đường sắt dài khoảng 4 km từ Gò Vấp đến Thủ Đức thường xuyên bị ngập. Ảnh: ĐSSG cung cấp
Chưa biết khắc phục ra sao
Chiều 2-7, ông Trần Xuân Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật - an toàn, Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn, xác nhận có tình trạng ngập nước trên đoạn đường sắt từ Gò Vấp đến Thủ Đức. “Trước đây tình trạng ngập cũng xảy ra nhưng không nhiều như bây giờ. Chỉ từ khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được nâng cao, khu vực này mới thường xuyên ngập do mưa” - ông Hùng nói.
Theo ông Bình, nếu tính chung đoạn đường tàu chạy qua địa bàn các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức thì có tới 4 km đường sắt thường bị ngập, ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình. Ông Hùng cũng nói thêm: “Mỗi khi trời mưa, chúng tôi đều cử nhân viên khảo sát mức độ ngập và kiểm tra độ an toàn của đường ray. Gặp những cơn mưa lớn, đường ray ngập sâu chúng tôi buộc phải dừng, hoãn các chuyến tàu để đảm bảo an toàn. Có tháng mưa nhiều, chúng tôi phải dừng, hoãn đến 20 chuyến tàu do nước ngập. Mỗi lần hoãn như thế kéo dài vài tiếng đồng hồ”.
Về nguyên nhân ngập, ông Hùng phân tích: “Trước đây, dọc đường ray tàu lửa đoạn từ Gò Vấp đến Thủ Đức có nhiều bãi đất trống, trũng thấp hơn đường ray nên nước thoát dễ dàng. Khi tuyến đường bộ dọc đường ray được nâng cao, nhà cửa mọc lên nhiều thì các hướng thoát nước tự nhiên không còn phát huy tác dụng. Các mương thoát nước nhỏ dọc đường ray cũng không đủ chứa nước... Do đó, hễ có mưa lớn là đường tàu lại ngập”.
Dù tình trạng ngập xảy ra triền miên nhưng theo ông Hùng, hiện công ty chưa biết hướng khắc phục ra sao. “Chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra ở khu vực thuộc hành lang an toàn đường sắt (được giới hạn bởi hàng rào dọc đường ray - PV), còn những vấn đề liên quan đến kết nối hạ tầng kỹ thuật, thoát nước thì lại vượt quá thẩm quyền. Tôi nghĩ muốn giải quyết triệt để thì có thể nâng đường tàu lên cao nhưng vấn đề lớn như thế phải do Bộ GTVT TP làm việc với UBND TP thì mới quyết định được” - ông Hùng nói.
UBND TP.HCM yêu cầu báo cáo Sau khi nhận được thư của ông Bình, UBND TP đã có văn bản giao cho Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, báo cáo kết quả cho TP trước ngày 17-7. Tin từ Sở GTVT TP cho biết dự kiến trong tuần đơn vị này sẽ tổ chức kiểm tra, xác định các nguyên nhân gây ngập và đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể. Đầu máy xe lửa rất sợ nước Các đầu máy xe lửa chạy bằng động cơ truyền lực điện, gặp nước rất dễ bị chạm điện, hư hỏng. Vì thế khi đường ray bị ngập, ngành đường sắt thường phải dừng, hoãn các chuyến tàu. Ông TRẦN XUÂN HÙNG, Trưởng phòng Kỹ thuật - an toàn, Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn |