Hãng tin Reuters ngày 7-4 dẫn nguồn thạo tin cho biết các đặc phái viên Oman sẽ đến thủ đô Sanaa (Yemen) vào tuần tới để làm trung gian đàm phán về việc ngừng bắn vĩnh viễn ở nước này.
Việc đàm phán được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho xung đột kéo dài 8 năm giữa phe nổi dậy Houthi (có liên kết với Iran) và chính phủ Yemen, cũng như sự tham chiến của Saudi Arabia (để hậu thuẫn chính quyền Yemen).
Một trực thăng quân sự của phiến quân Houthi bay qua Sanaa vào ngày 21-9-2022, lần đầu tiên kể từ khi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp cuộc nội chiến và kiểm soát không phận Yemen vào năm 2015. Ảnh: REUTERS |
Động thái tích cực nói trên báo hiệu rạn nứt trong khu vực đang giảm bớt trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran khôi phục quan hệ vào tháng trước, sau nhiều năm thù địch và ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, bao gồm Yemen.
Chuyến thăm của các quan chức Saudi Arabia tới Sanaa cũng là một dấu hiệu cho thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán do Oman làm trung gian giữa vương quốc này và phong trào Houthi liên kết với Iran, diễn ra song song với các nỗ lực hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Oman, quốc gia có chung biên giới với Yemen, từ lâu đã cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa các bên tham chiến ở Yemen, và rộng hơn là giữa Iran, Saudi Arabia và Mỹ. Một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Yemen sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc ổn định Trung Đông.
Các nguồn tin cho biết nếu đạt được thỏa thuận, các bên có thể công bố trước kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 20-4. Chính phủ Saudi Arbia và Yemen đã chưa phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Nhóm phiến quân Houthi đã lật đổ chính phủ được quốc tế công nhận khỏi Sanaa vào cuối năm 2014. Nhóm này sau đó đã kiểm soát miền bắc Yemen và nói rằng họ đang chống lại một hệ thống tham nhũng và sự "xâm lược" của nước ngoài.
Phiến quân Houthi đã chống lại một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu kể từ năm 2015, đài CNN đưa tin. Các cuộc đụng độ đã giết chết hàng chục nghìn người và khiến 80% dân số Yemen phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Hiện Yemen là quốc gia nghèo nhất Trung Đông và là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển chậm nhất thế giới.