Hãng Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27-9 đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường, với hy vọng điều này sẽ cho người dân thấy một ví dụ mạnh mẽ về nhu cầu tiêm liều bổ sung.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm vaccine liều tăng cường. Ảnh: REUTERS
“Liều tăng cường rất quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là nhiều người đi tiêm phòng hơn" - ông Biden cho biết, lưu ý rằng khoảng 23% người dân Mỹ chưa được tiêm ngừa.
Cùng ngày, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng đã tiêm vaccine mũi tăng cường, Reuters đưa tin.
“Tất cả người Mỹ nên trao đổi với bác sĩ của họ và tiêm chủng" - ông McConnell cho hay.
Ông Biden, 78 tuổi, cho biết vợ ông - Đệ nhất phu nhân Jill Biden - cũng sẽ sớm tiêm liều bổ sung.
Theo Reuters, ông Biden hôm 27-9 đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng Mỹ nên phân phối nhiều vaccine hơn trên toàn thế giới trước khi cho phép sử dụng vaccine mũi tăng cường ở trong nước.
"Chúng tôi đang giúp đỡ. Chúng tôi đang làm nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại" - vị tổng thống cho hay.
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ hôm 24-9 đã đề xuất tiêm vaccine mũi tăng cường của hãng Pfizer/BioNTech cho người Mỹ trên 65 tuổi và một số người trưởng thành thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh các nhà khoa học tranh cãi về nhu cầu tiêm vaccine mũi tăng cường khi còn nhiều người dân ở Mỹ cũng như và các quốc gia khác vẫn chưa được tiêm chủng, ông Biden hồi tháng 8 đã tuyên bố thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine mũi tăng cường.
Đây là một phần thuộc nỗ lực tăng cường khả năng bảo vệ trước biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh.
Các cơ quan quản lý của Mỹ cho biết chỉ những người đã tiêm hai mũi vaccine của Pfizer cách đây ít nhất sáu tháng mới đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ vẫn chưa xem xét đơn xin cấp phép cho mũi tiêm tăng cường của hãng Moderna và Johnson & Johnson.
Các chuyên gia tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine trong bối cảnh các đợt bùng phát COVID-19 trên toàn nước Mỹ tiếp tục đặt sức ép lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, vốn có thể trở nên trầm trọng hơn do các y bác sĩ kiệt sức hoặc nhân viên từ chối tiêm.