Ông Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ cần hiến pháp mới

Hãng tin Sputnik dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 1-2 cho biết đã đến lúc quốc gia này cần có một hiến pháp mới.

"Có lẽ đã đến lúc phải bàn thảo về hiến pháp mới. Chúng tôi sẽ sớm trình bày với công chúng ý tưởng của mình về một loạt các cải cách mới, về tính triết lý, phương hướng và mục tiêu của những cải cách này" - ông Erdogan tuyên bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng hiến pháp mới nên được viết một cách minh bạch với sự giúp đỡ của người dân, song ông không nói rõ về những thay đổi có thể có.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: SPUTNIK

Thổ Nhĩ Kỳ từng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc sửa đổi hiến pháp, cho phép ông Erdogan có nhiều quyền lực mới bằng cách yêu cầu đất nước chuyển từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau một nỗ lực đảo chính thất bại vào tháng 7-2016.

Vào tháng 4-2018, ông Erdogan công bố sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống và các vị trí khác trong Quốc hội. Ông giải thích động thái này là do nhu cầu chuyển sang chế độ tổng thống, đồng thời bắt đầu thực thi các hiến pháp đã được sửa đổi và thông qua vào năm 2017.

Sau các sửa đổi, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) trở nên xấu đi đáng kể, khi các nhà lãnh đạo EU nhiều lần chỉ trích ông Erdogan. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: REUTERS

Hồi cuối tháng 1, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu để gia nhập EU, nhưng khối này vẫn không muốn trao quyền thành viên cho Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do chính trị. Sau khi Anh rời khỏi EU, ông Erdogan đã kêu gọi EU trao quyền thành viên cho nước mình.

Các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập hoàn toàn vào EU bắt đầu từ năm 2005, theo Sputnik.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Brussels và Ankara đã xấu đi trong suốt năm 2020 do những bất đồng lâu dài về chủ nghĩa Hồi giáo và quyền con người, cũng như mâu thuẫn lớn xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ khoan khí đốt ở Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus (Cộng hòa Síp).

Trước đó, vào năm 2017, Tổng thống Erdogan từng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không cần tư cách thành viên của EU và sẽ đi theo con đường riêng của mình, thêm rằng dù chính sách của EU ràng buộc với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Brussels đã không ủng hộ Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm